Trước khi Covid-19 bùng phát toàn cầu, ấn tượng đầu tiên khi khách đến cửa hàng xa xỉ, trung tâm mua sắm là hơi lạnh điều hòa, sàn gạch hoa cương bóng loáng và nhân viên niềm nở. Giờ đây, chào đón họ là những chai nước rửa tay, nụ cười nhân viên giấu sau lớp khẩu trang và khắp nơi gắn biển "Chúng tôi đang cố gắng giữ an toàn cho bạn".
Khi tái mở cửa trung tâm thương mại Saks Fifth Avenue ở Houston (bang Texas, Mỹ), ban lãnh đạo yêu cầu nhân viên dán loạt khung đen nhắc nhở khách trên sàn: "Vui lòng giữ khoảng cách ít nhất 1,8 m".
Sau nhiều tháng đóng cửa, thị trường bán lẻ rục rịch tái khởi động với lượng đơn đặt hàng giao tận nhà ngày một nhiều. Tại Pháp, Galeries Lafayette đón khách trở lại từ đầu tháng 5. Saks Fifth Avenue tái hoạt động cùng thời gian và cho biết sẽ sớm mở lại cửa hàng ở bang Ohio, Florida (Mỹ). Nhiều trung tâm mua sắm khác như Nordstrom, Selfridges và Harrods cũng mở cửa từ cuối tháng năm.
Theo Cnaluxury, chuỗi cửa hàng và trung tâm mua sắm yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, khám sức khỏe liên tục. Vài nơi thiết kế lại nội thất nhằm tạo thêm không gian, sắp xếp lối đi một chiều cho khách. Lượng người mua cùng lúc sẽ bị giới hạn, nhân viên thường xuyên lau dọn, nước rửa tay sẽ đặt tại nhiều điểm dễ thấy. Loạt dịch vụ, sự kiện như thử đồ, hướng dẫn trang điểm... bị tạm ngưng.
Dù thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ thời dịch, các nhà bán lẻ, cửa hàng lẫn trung tâm mua sắm vẫn không chắc có thể thu hút khách như trước. Jamie Nordstrom - Chủ tịch công ty Nordstrom cho biết: "Chúng tôi nghĩ đến nhiều trường hợp xảy ra khi tái mở cửa, nhưng có lẽ một nửa trong số đó sẽ không chính xác".
Micheal R. Solomon - nhà tư vấn hành vi khách hàng - cho rằng nhiều người đang "khát" cảm giác dạo quanh trung tâm mua sắm và thử trang phục đẹp, nhưng "không ai muốn đeo khẩu trang mua sắm, dù có là Gucci chăng nữa".
Tương tự loạt nhà hàng và khách sạn hạng sang, trung tâm mua sắm cao cấp luôn tránh để nhân viên vệ sinh bị khách hàng trông thấy. Nhưng với tình hình hiện nay, khách dường như yên tâm hơn khi thấy bóng dáng nhân viên lau dọn.
"Điều quan trọng là phải để khách thấy rõ loạt biện pháp được thực thi, thậm chí có thể xem như 'nghi thức' khi vào nơi mua sắm", ông Andrew Keith - Chủ tịch chuỗi trung tâm thương mại cao cấp tại Hong Kong và Trung Quốc Lane Crawford - cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng với các biện pháp bảo vệ sức khỏe thời dịch, sẽ rất khó khăn để mang lại cho khách trải nghiệm như trước. Điển hình đeo găng tay khiến người mua không thể cảm nhận chất vải bằng tay - điều họ luôn muốn làm trước khi quyết định mua hay không.
Tại cửa hàng mỹ phẩm - gian hàng được xem như "nguồn năng lượng" của các trung tâm thương mại - sẽ gặp một số hạn chế khi thực thi biện pháp bảo vệ sức khỏe. Những dịch vụ mang tính trải nghiệm như hướng dẫn trang điểm, xịt thử nước hoa hay dùng thử kem dưỡng... có thể bị ảnh hưởng nặng.
Đây là thách thức cho ngành mỹ phẩm làm đẹp lẫn ngành công nghiệp khác. Để giải quyết rào cản này, nhà mốt phải sáng tạo trong chiến dịch quảng bá, tận dụng thế mạnh như mạng xã hội hay các trang chuyên hàng hiệu online... nhằm bù đắp cho quảng bá offline. Trải nghiệm ảo - công nghệ được cửa hàng bán lẻ Sephora và Ulta sử dụng - là gợi ý.
Ngành may mặc lại có cách thức mới sống sót giữa dịch. Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ, trang phục thử sẽ phải cách ly (48 giờ tại Saks và 72 giờ ở Nordstrom) trước khi trưng bày trở lại. Tại Saks, khi thử giày, khách phải đeo một lớp lót bên ngoài. Còn Nordstrom cũng nới rộng phòng thử, đồng thời ghi lại ngày giờ vệ sinh không gian này.
Hầu hết trung tâm thương mại nhận thấy tình trạng khách mua giảm sút trong ngày mở trở lại, nhất là nơi vốn nhiều du khách. Ông Nicolas Houze - Giám đốc điều hành Galeries Lafayette - cho biết doanh thu công ty ở Paris (Pháp) giảm hàng trăm triệu EUR và việc kinh doanh chưa kịp hồi phục đến hết năm 2021.
Bù lại, khách đến vào thời điểm trung tâm thương mại tái hoạt động có xu hướng mua hàng, thậm chí chi nhiều tiền. Do chỉ phục vụ số ít khách, các thương hiệu xa xỉ sẽ phải tập trung vào chất lượng thay vì số lượng như trước.
Andrew Keith - nhân viên công ty Lane Crawford - cho hay: "Thứ hai tuần trước, chúng tôi có một giao dịch giá trị 'khủng' tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Khách liên hệ stylist riêng và thông báo cô ấy sẽ ra ngoài lần đầu, kể từ tháng một. Người này muốn đi mua sắm nhưng chỉ có một tiếng đồng hồ và trong thời gian này, cô đã mua 80 món quần áo, phụ kiện lên đến 279.000 SGD (hơn 4,58 tỷ đồng)".
Vân Nguyễn (Theo CNA Luxury, The Newyork Times)
Joolux là sàn giao dịch hàng hiệu chính hãng đã qua sử dụng, nơi cộng đồng đam mê hàng hiệu Việt có thể tham gia ký gửi, mua bán các sản phẩm cùng loạt dịch vụ hỗ trợ như: kiểm định, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu. Người tiêu dùng và độc giả có thể đóng góp ý kiến dưới mỗi bài viết để cùng chia sẻ, kết nối với cộng đồng yêu thích hàng hiệu và thời trang cao cấp. |