Góp ý báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội ngày 28/3, nhiều đại biểu nêu những yếu kém trong nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội là làm luật.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định, công tác làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng thực tế làm còn thiếu tập trung còn chắp vá. Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh chưa khoa học, một số dự án luật thiếu ổn định, chưa đi vào thực tế, có biểu hiện lợi ích cục bộ.
"Có luật Quốc hội thông qua rồi nhưng dưới không chấp nhận và phải sửa lại. Vấn đề bức xúc là không có ai chịu trách nhiệm. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo", đại biểu Huỳnh Nghĩa nói và cho rằng làm một bộ luật rất tốn kém tiền bạc của nhân dân. Nếu luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì không nên làm.
Đại biểu Trương Thị Huệ cũng không hài lòng với việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, chậm gửi dự thảo để đại biểu nghiên cứu. Theo bà, thực trạng ban hành luật, trong đó có nhiều điều, khoản chưa cụ thể dẫn đến luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư đã tạo ra khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho hiện tượng lách luật và dẫn đến nhiều hệ lụy.
"Có trường hợp thủ kho to hơn thủ trưởng, tức là nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí thông tư hướng dẫn không đúng với nghị định. Ví dụ Thông tư 08 Liên Bộ Tài chính - Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở các xã đặc biệt khó khăn thì lại hướng dẫn cho cả các xã ATK, xã biên giới, xã bãi ngang ven biển được đầu tư chương trình 135, khiến ngân sách nhà nước thiệt hại hàng tỷ đồng, gây tâm lý không tốt cho một bộ phận nhân dân", bà Huệ nói.
Nữ đại biểu dẫn chứng thêm, có trường hợp luật, pháp lệnh quy định những điều khoản rất nhân văn được cử tri đồng tình ủng hộ cao như Luật người cao tuổi, Pháp lệnh người có công nhưng khi tổ chức thực hiện lại không đảm bảo nguồn lực.
Đại biểu Trần Du Lịch phân tích thêm, luật được ban hành nhưng đi vào cuộc sống phải chờ đợi văn bản dưới luật để thực thi nên hiệu lực giảm rất nhiều. Nhiệm kỳ 13 Quốc hội làm luật rất công phu, ban hành hơn 100 bộ luật, nhưng để luật đi vào cuộc sống thì cần tới 5.000 văn bản hướng dẫn trong đó có gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch.
"Như vậy là có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại làm hiệu lực của luật giảm", ông Lịch nói.
Vị đại biểu TP HCM chia sẻ, Quốc hội nói nhiều đến vấn đề tăng biên chế, nhưng hầu như các bộ luật đã ban hành lại đẻ ra biên chế. "Năm nay triển khai Luật chính quyền địa phương không biết biên chế tăng cỡ nào. Ban hành luật chúng ta có chính sách nhưng chưa bao giờ tính toán xem lấy nguồn lực nào để thực thi chính sách đó. Tôi kiến nghị, khi Quốc hội ban hành chính sách phải tính toán kỹ lấy đâu, nguồn lực nào để thực thi, còn nếu không chúng ta không ban hành", ông trăn trở.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng Quốc hội cần mạnh mẽ hơn để xoá bỏ cơ chế xin cho. Theo bà, trong thực tiễn đây là cơ chế ngầm nhưng chi phối khá nhiều đến quyết định của các cấp, tác động không ít đến sự lựa chọn của đại biểu, nói hay không nói, nói như thế nào - điều đó ảnh hưởng đến quyết định của Quốc hội. Tuy không làm sai lệch toàn bộ, nhưng nếu được khắc phục thì quyết định của quốc hội sẽ mạnh mẽ và bám sát thực tiễn hơn.
"Từ thực tiễn đó bà kiến nghị Đảng đoàn quốc hội nhiệm kỳ này nên chuyển giao khoá sau đề nghị trung ương, Bộ chính trị đổi mới mạnh mẽ, đột phá phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, đảng đoàn Quốc hội, đảm bảo Quốc hội chấp hành sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, vừa đảm bảo sự thực chất Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, của nhân dân", bà Tâm nói.
Hoàng Thuỳ