Từ 4h30 phút nhiều người đã đến trước cửa phòng đợi tàu nhà ga chờ đón người thân. Họ nháo nhác nói với nhau về chuyển tàu đầu tiên sau đợt mưa lũ từ Lào Cai sắp về đến ga Hà Nội.
Sáng sớm nay, du khách từ Lào Cai đã về đến Hà Nội. Ảnh: Hà Anh |
5h đoàn tàu chầm chậm đỗ lại, hành khách chen nhau bước xuống, những gương mặt mệt mỏi, phờ phạc. Đặt đủ các loại túi xuống trước cửa Phòng bán vé đợi xe đến đón, anh Nguyễn Hùng khách du lịch Sa Pa nói như mếu: "Một chuyến đi kinh hoàng".
Anh Hùng cho biết, anh và gia đình từ Đà Nẵng dự định lên Sapa du lịch 2 tuần, nhưng mới đi chơi được 2 ngày thì gặp mưa to. Nghe dự báo thời tiết biết rằng có thể sẽ xảy ra lũ quét anh và người thân tìm cách quay ra Hà Nội nhưng không kịp. Cả gia đình bị tắc ở ga Lào Cai 3 ngày.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh như vậy, không nhà cửa, đói đến mờ mắt, trong túi đầy tiền không biết tiêu gì. Cả gia đình 7 người lớn bé chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của nhân dân địa phương. Dẫu sao đến giờ phút này về được tới Hà Nội phải cảm ơn ngành đường sắt", anh Hùng nói.
Anh cho hay, 10h đêm hôm qua tàu mới khởi hành về Hà Nội nhưng trước đó hàng trăm người đã chầu chực quanh nhà ga, chen lấn để có được tấm vé. Hành trình của chặng đường Lào Cai - Hà Nội đã kéo dài 30 giờ, gần bằng lộ trình tàu Bắc - Nam.
Tay xách 3 túi lớn, ngồi nghỉ trước cửa nhà ga, chị Minh Hoài, khách du lịch từ Hải Phòng kể lại, chị bắt đầu lên tàu từ chiều thứ 5 nhưng đi được một đoạn thì tắc, nước dâng cao, sạt lở. Tàu phải chạy trở lại ga Lào Cai.
3 ngày nằm chờ thông đường, cả trăm hành khách chỉ biết bám vào dân bản địa. "Đều đặn 12h trưa hoặc 7h tối họ bán 15.000- 20.000 một bát mì tôm, không mua nhanh cũng chẳng có. Nhìn cảnh hành khách tranh nhau mua mì tôm, cơm... tôi cứ tưởng tượng đến cảnh dân mình thiếu đói như năm 1945", giọng vẫn chưa hết hãi hùng, chị Hoài kể.
Khi nhiều hành khách đã hết hy vọng và tin rằng phải nhiều ngày nữa mới thông tàu thì lại được tin tàu chuẩn bị xuôi về Hà Nội. Hàng trăm người đang trú các nhà dân đổ ra nhà ga chầu chực.
Lần thứ hai xuôi về Hà Nội, mới đi được khoảng 20km đến ga Cổ Phúc đoàn tàu lại nằm ở đó hơn 10 tiếng. "Cả một khoang gần 100 hành khách chỉ được nhà tàu phát cho 9 gói mì tôm, không nước uống.", người phụ nữ đôi mắt quầng thâm sau nhiều ngày vất vưởng trên vùng lũ nói.
Du khách người Pháp vừa xuống sân ga Trần Quý Cáp đã chúc mừng nhau. Ảnh: Hà Anh |
"Nước rửa mặt, vệ sinh cũng không có nói gì đến nước uống", anh Nguyễn Ngọc Dũng, khách du lịch từ Quảng Nam kể. "Trong thời gian kẹt tàu, tôi cứ đi lang thang, nhiều lúc đói quá trên đường đi gặp quả nào có vẻ ăn được cũng cho vào miệng. Sáng nay bước xuống sân ga, về dến Hà Nội tôi mới tin à mình đã sống sót", anh Dũng nói.
Cùng trên chuyến tàu đầu tiên về tới Hà Nội này có nhiều khách du lịch là người nước ngoài. Lễ mễ kéo theo chiếc balô ra chỗ người thanh niên đang cầm tấm biển có tên chị ra đón, chị Maria Hug, khách du lịch Sa Pa đến từ Thụy Điển chỉ nói gọn: "Thật hãi hùng", rồi lắc đầu kéo chiếc balô đi thẳng.
6h45 phút chuyến tàu SP8 kế tiếp từ Lào Cai cập ga Trần Quý Cáp mang theo gần 200 khách du lịch nữa từ Sa Pa may mắn trở về từ vùng lũ, trong đó phân nửa là khách nước ngoài.
Nhìn theo dòng người mệt mỏi mang theo những chiếc ba lô lớn nhỏ, một nữ nhân viên soát vé nhà ga cho biết: "Không phải ai cũng may mắn để về được những chuyến tàu đầu tiên. Nhiều khách vẫn còn đang mắc kẹt tại những vùng lũ".
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, cho đến tối qua, đã có 159 người chết và mất tích trong cơn lũ lịch sử lớn nhất xảy ra trong vòng 22 năm tại Lào Cai. Đây là tỉnh có lượng khách du lịch lớn của các tỉnh miền núi phía bắc.
Xuân Tùng - Hà Anh