Ngâm mình trong làn nước nóng tại một nhà tắm công cộng (sento) ở Tokyo, mọi mệt mỏi, đau nhức của Lily Crossley-Baxter, một nhà báo Anh, tan biến. Cô lịch sự gật đầu chào những phụ nữ ngồi đối diện. Họ là người dân địa phương, sống ở những con phố gần đấy.
Giá vé vào cửa là 460 yên (gần 100.000 đồng), một mức giá được xem phải chăng. Baxter cho biết, những bồn tắm này là nơi giúp cô tiếp cận với thế giới phụ nữ ở Tokyo, từ những người bà đến cô bé mới chập chững bước đi. Trẻ em được đưa đến sento ngay từ khi chúng có thể tự đi lại. Ở đây không ai mặc đồ bơi hoặc áo phông để che đi những thân hình nhút nhát. Tại những nhà tắm này, mọi hình dạng cơ thể, kích cỡ và mọi vết sẹo, rạn... đều được để trần.
Stephanie Crohin, người Pháp, nói rằng mọi cơ thể đều không hoàn hảo, và các địa điểm tắm công cộng là nơi duy nhất ở Nhật Bản không ai quan tâm tới việc bạn khỏa thân. Với cô, sento không phải là thế giới Instagram mà là đời thực. Trong thế giới thực này, trẻ em đã được dạy từ rất sớm rằng: Không phải mọi phụ nữ đều là siêu mẫu và chấp nhận cơ thể vốn có của mình.
Hơn 1.000 năm nay, những phòng tắm công cộng luôn mịt mờ hơi nước và yên tĩnh ở Nhật Bản là nơi giúp người dân ẩn náu, thoát khỏi những căng thẳng, bộn bề của cuộc sống. Phần lớn du khách biết tới onsen (các suối nước nóng tự nhiên). Ngày nay, onsen được mở rộng hơn, dùng để chỉ các nhà tắm và nhà trọ truyền thống, thường nằm gần suối nước nóng.
Onsen là nơi có nguồn nước giàu khoáng chất, nước được làm nóng tự nhiên và được xếp vào "lựa chọn sang trọng" ở Nhật Bản. Onsen được nhiều người yêu thích, tin tưởng có khả năng chữa bệnh về xương khớp, thanh lọc cơ thể, làm đẹp da... Các onsen thường được thiết kế với tầm nhìn ra ngoài trời với không gian đẹp, bồn tắm làm từ gỗ tuyết tùng truyền thống. Các thị trấn yên tĩnh như Kinosaki ở tỉnh Hyōgo hay Kusatsu ở vùng Kanto đã chuyển mình thành những khu nghỉ dưỡng sầm uất chính nhờ vào onsen và cảm giác được hoài cổ, đi dạo vào buổi tối trong những bộ yukata của du khách.
Còn sento, ban đầu được xây dựng phục vụ các nhà sư từ thế kỷ 6 rồi sau đó mở rộng đón tiếp những người tới chữa bệnh và giới nhà giàu. Sento phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 17 -19. Đây là thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và nhà tắm trở nên quan trọng về mặt xã hội và thực tế. Thời đó, sento sử dụng nước máy, được làm nóng nhân tạo và không gian sáng sủa. Vé vào cửa thấp hơn onsen. Alexia Brue, một nhà nghiên cứu về các nền văn hóa tắm trên khắp thế giới, ví việc người dân Nhật Bản quen thuộc với các phòng tắm công cộng giống người châu Âu thường tới các quán cà phê.
Tuy nhiên, dù tắm onsen hay sento, khách hàng đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt như khỏa thân hoàn toàn, phải tắm gội bằng xà phòng trước khi bước xuống nước. Do đó, trong các điểm tắm công cộng này thường có một khu vực rộng rãi ngay phía trước để mọi người cởi bỏ quần áo, cất đồ và tắm gội. Các nhà tắm cung cấp đầy đủ dầu gội, sữa tắm, đôi khi có cả sữa rửa mặt hoặc kem tẩy da chết.
Trong khi onsen càng ngày càng được yêu thích, thì sento đang có xu hướng bão hòa. Thói quen tắm tại nhà và sự hiện đại hóa đã khiến số lượng sento giảm nhanh chóng. Hiện chỉ còn 530 sento hoạt động ở Tokyo, so với con số 2.700 của 50 năm trước, theo Hiệp hội Sento Tokyo. Sento không hoàn toàn bị "xóa sổ" và sự tồn tại của nó như một minh chứng độc đáo về nhu cầu xã hội mà nó đem tới, một thứ không thể thay thế bởi các quán bar hay cà phê.
Anh Minh (Theo BBC)