Chương trình Về nơi khởi nguồn do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, báo Quân đội nhân dân cùng một số đơn vị tổ chức hôm 15/8 hội ngộ nhiều tướng lĩnh đại diện cho nhiều thế hệ bộ đội. Cuộc hội ngộ diễn ra tại Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra đời ngày 22/12/1944.
Khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo trên núi Slam Cao, ngọn cao nhất của dãy Dền Sinh, nằm giữa hai xã Tam Kim và Hoa Thám. Trạm quan sát đặt nơi này có thể nhìn đi các hướng, thấy làng Phay Khắt nơi lính Pháp đóng quân.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, nơi này hội tụ đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để Chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều năm bôn ba hoạt động nước ngoài trở về chọn thành lập đội vũ trang đầu tiên.
Rừng là nơi các hướng tụ về, tản đi mà vẫn giữ bí mật. Bởi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không phải từ một đội phát triển lên mà từ nhiều đội du kích các tỉnh Cao - Bắc - Lạng tập hợp. Nhân hòa là yếu tố quan trọng nhất khi đồng bào yêu nước tham gia cách mạng đông và sớm, là chỗ dựa che chở cho quân giải phóng.
Cách rừng 3 km là đồn Phay Khắt - mục tiêu tiêu diệt đảm bảo trận đầu ra quân thắng lợi gây thanh thế cho Đội. Ba ngày sau thành lập, đội quân 34 người đã diệt đồn Phay Khắt và Nà Ngần (25-26/12), mở đầu cho truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quy mô Đội nhỏ, nhưng Hồ Chủ tịch tin tưởng "tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam". "Đội quân chủ lực đầu tiên đã tập hợp được những người ưu tú nhất, đó là đội quân đàn anh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi chóng có những đội đàn em khác", ông Hà nói.
Sau 80 năm, đội quân ấy đã trưởng thành như kỳ vọng của Hồ Chủ tịch. Từ vài chục chiến sĩ đầu tiên nay có nhiều quân binh chủng hiện đại bảo vệ và xây dựng đất nước, tham gia cứu hộ cứu nạn quốc tế, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Lần đầu tiên đội vũ trang có tổ chức Đảng là điều đặc biệt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà. Chính trị viên đầu tiên là ông Dương Mạc Thạch, bí danh Xích Thắng, quê huyện Nguyên Bình, người vận động đồng bào tham gia Việt Minh từ buổi đầu. Ông Hoàng Văn Thái giữ vai trò tham mưu và đội trưởng Hoàng Sâm phụ trách quân sự.
Tư tưởng "chính trị trọng hơn quân sự" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Chỉ thị thành lập Đội, bởi xác định rõ đây là đội tuyên truyền. Ông Hà lý giải thời điểm đó các đội vũ trang còn nhỏ bé, vũ khí chưa nhiều thì phải trọng tuyên truyền để nhân dân tham gia cách mạng. Trải qua 80 năm, công tác Đảng, công tác chính trị vẫn đóng vai trò lớn từ trong chiến đấu đến xây dựng và sản xuất thời bình.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khẳng định làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trở thành mạch sống đưa người lính vượt khó vượt khổ qua những cuộc trường chinh của dân tộc.
Ông dẫn chứng từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đại tướng Võ Nguyên Giáp có quyết định khó nhất đời cầm quân là chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nếu không làm tốt công tác tư tưởng cho bộ đội tin tưởng vào mệnh lệnh cấp trên thì khó tạo nên kỳ tích kéo pháo vào kéo pháo ra. Trong cuộc chiến chống Mỹ, tinh thần ấy càng thể hiện rõ qua các thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi thống nhất đất nước.
Theo tướng Đăng, người lính sau ngày thống nhất chỉ muốn đoàn viên với gia đình. Nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, quân tình nguyện lại lên đường làm nhiệm vụ. "Anh em chúng tôi hồi đó là cán bộ trung đoàn, vẫn nói với nhau sao lịch sử không chọn dân tộc nào mà luôn chọn Việt Nam. Nhưng rồi vẫn làm công tác tư tưởng cho bộ đội hiểu để sẵn sàng chiến đấu", ông kể.
Từ nhân dân mà ra nên đội quân này luôn dựa vào dân dù thời chiến hay thời bình. Thời chiến tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân, thời bình xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ đất nước từ sớm từ xa, theo thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng.
"Trong cứu hộ cứu nạn, cứu dân luôn là mệnh lệnh cao nhất từ trái tim người lính, xuất phát từ lời thề thứ 9 của quân đội", ông khẳng định.
Tướng Trung kể năm 1999 ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 đóng ở Quảng Nam. Đơn vị đang diễn tập trong rừng thì nhận được điện của lãnh đạo tỉnh báo đập Phú Ninh có nguy cơ vỡ, cần huy động khoảng 200 chiến sĩ cứu hộ. Ông họp khẩn xin chủ trương tạm dừng diễn tập để đi cứu dân, cứu đập, được cấp trên đồng ý ngay kèm lời dặn dò "cứu dân và nhớ đảm bảo an toàn".
Bộ đội tức tốc hành quân về Phú Ninh - hồ thủy điện lớn nhất miền Trung, cách Tam Kỳ chỉ 7 km. Gặp lãnh đạo tỉnh trên mặt đê, ông Trung nói "không phải là 200 quân mà là 3.000 quân đã có mặt" và sẵn sàng vào việc. Quân đội sau đó gia cố mặt đập, đưa người dân tới nơi an toàn.
Hoàng Phương