Đến bây giờ chị Lê Thị Bích (43 tuổi) ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Mộc Châu vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh, bắt đầu chuỗi ngày cùng cực của cả gia đình. Hôm đó, giáo viên chủ nhiệm của đứa con đầu Nguyễn Minh Đức báo về rằng gần đây cậu bé phản ứng chậm và học không tốt như trước. Cùng với dấu hiệu con đau bụng những ngày qua, chị đưa con đi khám tại bệnh viện thị trấn, phát hiện "có một khối gì đó trong ổ bụng".
Người mẹ lập tức đưa con xuống bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Suốt một tháng làm đủ các loại xét nghiệm, sau cùng nhận kết quả u gan ác tính.
"Bác sĩ kết luận bệnh của con là tôi ngất luôn tại chỗ. Căn bệnh những tưởng chỉ gặp ở người lớn, nay lại thấy ở một đứa trẻ mới vào đời", chị Bích kể.
Kể từ đó, Minh Đức phải dừng học hai năm để đi điều trị. Bảy năm qua, bệnh của em tái phát 5 lần, gần như năm nào cũng phải nằm viện. Đối với người mẹ nghèo, nỗi đau nhìn con vật vã vì bệnh hiểm bị nhân lên nhiều lần khi phải chịu sự giằng xé nội tâm giữa đứa con đang bệnh và hai đứa con nhỏ bơ vơ ở nhà không được chăm sóc.
Hồi tháng 10/2018, chị buộc lòng phải cai sữa con út tên Chí vừa đầy năm, để đưa con cả xuống Hà Nội chữa trị. Nửa đêm, anh Nguyễn Văn Tiệp, chồng chị gọi xuống báo con út bị viêm phế quản, không thở được, phải đi cấp cứu.
Chị Bích cuống cuồng nhờ cậy y bác sĩ và người nhà bệnh nhân trông hộ Đức, để về quay quê. Cùng hoàn cảnh chăm con bệnh, các bà, các mẹ trong viện gom góp được 2 triệu đồng cho chị mượn lấy tiền đi lại. Trước lúc đi, chị căn dặn Đức: "Con chịu khó ở viện vài hôm cho mẹ về xem em thế nào rồi xuống ngay". Thằng bé hiểu chuyện, cứ động viên mẹ đi nhanh.
3h sáng chị Bích về đến bệnh viện thị trấn. Cu Chí nằm gục trên vai bác, miệng thở oxy. Chạy đến ôm con vào lòng, trái tim người mẹ ngổn ngang trăm mối. "Tôi sốc lắm, chỉ biết thầm than sao số mình khổ thế. Anh phải nằm viện một mình, em thì không biết bệnh tình thế nào", chị nhớ lại.
Khi đó, anh Tiệp buộc phải đi làm để kiếm được đồng nào hay đồng đó lo cho hai con. Cu Chí quấy khóc và bám mẹ không rời nên chị Bích không nỡ nhờ người thân trông hộ.
"Nhưng rồi ôm Chí, tôi càng xót và thương Đức. Con mới 8 tuổi, không biết truyền hóa chất xong có nôn trớ, có ăn được gì không. Tôi càng sợ con tổn thương vì đang ốm đau thế mà không có người thân ở cạnh", người mẹ giãi bày. Sau một tuần cu Chí được xuất viện. Chị Bích lại tất tả xuống Hà Nội để chăm Đức.
Với con gái thứ hai, nhiều lúc chị cũng thấy khó xử. Những năm đầu mẹ đưa anh đi viện, bố đi làm, Thư vạ vật hết nhà hàng xóm tới nhà họ hàng. Dăm bữa nửa tháng mẹ về, con bé được quan tâm một chút. Sau này mẹ sinh Chí, Thư dù mới 6 tuổi đã biết coi sóc em những khi bố mẹ vắng nhà.
Tháo vát, luôn học giỏi nhất nhì lớp, song đôi lúc Thư cũng tị nạnh. Có bữa nó thủ thỉ mẹ mua cá cho ăn, song bị từ chối vì mẹ chỉ có tiền mua thịt vì đó là món Đức thích ăn. Cái Thư dỗi: "Bố mẹ suốt ngày thiên vị anh". Chị Bích đành giải thích: "Bây giờ con khỏe, ăn gì cũng được. Còn anh chỉ có thịt mới chịu ăn thêm ít cơm". Mãi rồi cô bé cũng hiểu ra.
Anh Tiệp, chồng chị vốn bị suy gan, suy thận độ 3 từ năm 2014, mỗi tháng tốn 4 triệu đồng thuốc thang. Nhưng từ khi cu Đức bị bệnh, anh cũng từ bỏ luôn điều trị.
Cái đói nghèo, bệnh tật khiến cặp vợ chồng rơi vào cùng quẫn. Vì suy nghĩ quá độ, có giai đoạn chị Bích bị trầm cảm. Suốt mấy tháng liền, chị cứ nhớ nhớ, quên quên, đi đường hay nói linh tinh trong vô thức: "Không sao đâu. U lành ấy mà".
Người thân, xóm giềng động viên phải gắng gượng vì chị mà đổ bệnh thì lấy ai nuôi con. Anh Tiệp cũng nói: "Mẹ phải mạnh mẽ lên. Mà cứ yếu đuối như thế thì tôi cho vào trại".
Khi chị vực dậy được, lại đến lượt anh bị tâm thần. Khoảng tháng 10/2021, nhiều lúc anh Tiệp chống đầu, trồng cây chuối xuống đất, nửa đêm hay đi lang thang, gào khóc gọi tên con. Chị Bích phải gọi người trói chồng lại, cho đi bệnh viện chữa trị.
Dịp ấy, vì bố bệnh nặng nên Đức phải dừng điều trị giữa chừng. Từ đó đến nay nhiều lần bệnh viện gọi đến kỳ tái khám, gia đình cũng không xoay xở được cho con đi.
"Thằng bé mắc phải căn bệnh nhà giàu, mà gia đình lại nghèo thì lấy tiền đâu mà chữa. Cứ được một thời gian, tôi lại phải làm chứng nhận cho nhà họ đi vay tiền chữa bệnh cho con", ông Trần Thế Việt, 60 tuổi, tiểu khu trưởng Vườn Đào, thị trấn nông trường Mộc Châu, chia sẻ.
Từ năm 2016 đến 2020, ông Việt đã phải làm chứng cho nhà chị Bích đi vay khoảng 500 triệu đồng.
Đến giờ, trong ngôi nhà đi mượn ở chân núi, biệt lập với xóm giềng, cả Đức và hai đứa em, cái Thư và cu Chí, đều biết bố mẹ không có tiền, chỉ có 5 tờ giấy vay nợ. Chủ nợ của nhà nó là mấy người hàng xóm loanh quanh.
Chị Bích cho biết, những người hàng xóm rất tốt. Ban đầu khi biết Đức bị bệnh ai cũng thương. Có bác tự nguyện đưa cho vay 100 triệu đồng, bảo là để thay gan cho Đức khỏe lại. Chẳng ngờ, bệnh của con tái đi tái lại, ngày một nặng hơn. Mấy người hàng xóm cho vay, những tưởng cứu được người và sớm lấy lại tiền, nhưng càng ngày càng thấy khoản tiền của mình "không có ngày về".
"Những năm gần đây các bác ấy đòi nợ, mà nhà tôi biết lấy gì để trả. Không ít người khuyên chạy chữa cho Đức ngần ấy năm là đủ rồi, phải dừng để dành dụm mà trả nợ và còn lo cho hai đứa con sau", chị Bích nói.
Nửa tháng trước, Đức kêu đau. Chị Bích muốn đưa con đi mà lực bất tòng tâm. Đến một ngày thằng bé đau không chịu nổi. "Trong cơn đau con kêu 'Mẹ ơi, cứu con. Mẹ ơi, con muốn sống", chị kể.
Chị đưa con ra bệnh viện gần nhà, rồi được yêu cầu chuyển tuyến. Nhưng không có tiền đi, nên chị cầu xin bác sĩ truyền cho giảm đau. Chẳng đặng đừng, nhân viên y tế bảo nhau ủng hộ được 5 triệu đồng cho Đức đi Hà Nội cấp cứu. Xuống được một hôm, anh Tiệp lại gọi về bảo vợ cố gắng lo 10 triệu đồng gửi xuống. Lần này chị Bích phải vay bà chủ vựa rau mình hay đi bốc vác thuê, hứa sẽ đi làm thuê trả nợ dần.
Ung thư gan ở trẻ em hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1% tổng số ung thư trẻ em. Trong khoảng một triệu trẻ em dưới 15 tuổi mắc ung thư chỉ có 1,5 ca ung thư gan. Bệnh này nhạy với thuốc hóa trị nên điều trị kết hợp mổ cắt bỏ u và hóa trị cho kết quả tốt. Có khoảng 80% trường hợp sống thêm 5 năm sau điều trị. Chị Bích cho biết, Minh Đức được phát hiện bệnh sớm, song có lẽ vì không được điều trị và chăm sóc tích cực nên thường bị tái lại.
Mấy hôm nay, Minh Đức đau đến nỗi không còn nhớ được kênh YouTube của mình. Trong đó, cậu bé 13 tuổi quay các video xung quanh cuộc sống của mình với hai em - nơi có những đồi chè bát ngát, đồng ngô xanh rì, những mùa đào, mận trĩu trịt...
"Con ước mơ kênh của con sẽ kiếm được tiền cho cha mẹ đỡ khổ và cho con được khỏe lại", Minh Đức nói.
Phan Dương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trìnhtại đây.