Vừa có sự nghiệp khá vững vàng ở Hà Nội, anh An (30 tuổi, quê Thanh Liêm, Hà Nam) lại vừa có hình thức cao ráo, sáng sủa nên không ít gia đình trong vùng muốn gả con gái cho. Nhiều lần bị người nhà thúc giục nhưng anh tảng lờ vì biết mình chỉ có cảm xúc với người cùng giới.
Sốt ruột về cậu quý tử duy nhất, bố mẹ anh chuyển từ dỗ dành ngon ngọt đến dọa nạt, khóc lóc, kể khổ… Sau mấy tháng chịu đựng chì chiết, anh An đành kết hôn với một cô gái theo sự sắp đặt của bố mẹ. “Mỗi đêm nhìn thấy cơ thể vợ qua chiếc váy ngủ mỏng manh, tôi chỉ thấy ớn lạnh, run sợ, muốn tránh xa như tránh hủi”, anh An rùng mình nhớ lại. Dẫu vậy, anh vẫn cố gắng chịu đựng vì điều mong mỏi nhất lúc này là có một đứa con cho vẹn cả đôi đường.
Người đồng tính đã lập gia đình phải sống trong dằn vặt vì vừa phải lừa dối bạn đời, vừa giấu diếm tình cảm thật của mình. Nguồn ảnh: iSEE. |
Vợ có con, anh An hạnh phúc vô cùng khi được làm cha. Nhưng niềm hạnh phúc ấy không xua đi những xúc cảm thật luôn phải kìm nén. Mỗi tuần vài lần, anh đi kiếm bạn tình ở các hồ nước, công viên gần nhà, để khi đã được thỏa mãn, anh lại dằn vặt, khổ tâm chuyện dối vợ lừa con.
Nghi ngờ chồng có bồ, cô vợ bám theo xe anh một lần, quyết tâm bắt quả tang. Nhưng rồi cô không thể thốt lên lời nào khi nhìn thấy hai người đàn ông vuốt ve nhau trong bóng đêm mập mờ ở hồ Thiền Quang, nơi được mệnh danh là thiên đường của dân gay ở Hà Nội. Sau lần đó, anh An quyết định ly thân vợ, đưa người tình về nhà ở. Cuộc sống vợ chồng rơi vào bế tắc.
Kết hôn vì chữ hiếu cũng là bất hạnh với nhiều người đồng tính nữ. Linh (28 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) là một nhân viên marketing có tài và rất xinh đẹp. Nụ cười của cô khiến nhiều chàng trai ngơ ngẩn. Cũng không ít gia đình đã đánh tiếng hỏi cô làm con dâu nhưng Linh đều từ chối.
Ở tuổi gần 30, Linh bị bố mẹ coi như "quả bom nổ chậm trong nhà", ngày nào cũng phải nghe bài ca giục cưới. Sau nhiều lần thoái thác, cô không thể giấu được chuyện mình là người đồng tính nên đã kể cho bố mẹ nghe sự thật. Nhưng bố mẹ cô lại cho rằng chuyện nên vợ nên chồng không nhất thiết phải yêu nhau, một mực bắt con gái lấy chồng.
“Họ không hiểu cảm giác của một người con gái đồng tính phải kết hôn với người đàn ông dị tính chẳng khác gì chuyện 2 người đàn ông hay hai người đàn bà dị tính phải lấy nhau”, giọng Linh ấm ức.
Không thuyết phục được con gái rượu, bố mẹ Linh đã bày cách chuốc thuốc mê cô và cho phép vị hôn phu tương lai (được ông bà nhắm trước) quan hệ tình dục với con mình. Tỉnh dậy, Linh cảm thấy ê chề đau khổ khi biết sự đã rồi. Cô đã phát điên và phải sống một thời gian dài trong viện tâm thần.
Không chọn cách cưới đối phó như những trường hợp trên, nhiều bạn trẻ tìm cách tạo "bình phong" cho mình bằng cách thỏa thuận cưới giả với gay hoặc les. Như vậy, họ vừa che mắt được gia đình, vừa không khiến người vợ hoặc chồng phải khổ vì bị lừa dối.
Vốn có nhiều mối quen biết với những người đồng tính, Tâm (đồng tính nam, 27 tuổi, Hải Phòng) tìm kiếm người chung ý tưởng cưới giả với mình rất dễ dàng. Bị gia đình giục kết hôn, Tâm đưa cô "người yêu" (thực ra là một nữ đồng tính) về ra mắt và cưới xin có thỏa thuận mà chẳng ai hay. Thỏa thuận ấy bao gồm sinh con và không can thiệp vào đời sống tình cảm riêng của nhau.
Sau bao ngày cố gắng, họ sinh con trai đầu lòng. Cả hai đều cố gắng đem lại hạnh phúc cho con, nhưng chỉ được thời gian đầu. Khi con đã cứng cáp, họ thường xuyên bỏ con cho bố mẹ già chăm bẵm vì mỗi người đều có mảnh trời riêng.
“Dù vẫn đề cao hai tiếng gia đình nhưng giờ đây mình bắt đầu thấy sợ hãi. Sau này đứa trẻ lớn lên, nó có chịu được không khi phát hiện bố là gay, mẹ là les? Hay mình cứ phải che giấu cả đời?”, giọng Tâm đầy hoang mang khi nói về cuộc hôn nhân này.
Nhận xét về bi kịch mà người đồng tính phải gánh chịu khi kết hôn vì chữ hiếu, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, suy nghĩ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” của các bậc cha mẹ trong chuyện ép con lấy người mình không yêu, không thấy chút hấp dẫn nào về giới tính, là hoàn toàn sai lầm.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Nguyễn Hòa. |
Ông khẳng định: “Sự hy vọng hão huyền của bố mẹ làm khổ cả hai người. Người đồng tính thì không được sống thật với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho họ. Người vợ (chồng) của họ thì bị lừa dối, cứ hy sinh, chăm chút cho gia đình mà không hay biết mình đang đi vào ngõ cụt. Đứa trẻ sinh ra chịu thiệt thòi nhất vì không được hưởng trọn vẹn tình cảm thiêng liêng của bố mẹ, nên không thể phát triển bình thường, toàn diện. Với những cặp gay và les lấy nhau có thỏa thuận, đứa con sẽ thiệt thòi gấp bội phần”.
Theo ông, những trường hợp bắt buộc người đồng tính yêu thương người khác giới là vô lý, chẳng khác gì bảo nam yêu nam, nữ yêu nữ trong mối quan hệ dị tính. "Đừng ai làm khổ họ mà hãy để họ được sống với đúng ý nghĩa của cuộc đời", ông nói.
“Nhiều người đồng tính nghĩ rằng sống thật sẽ rất khó nên chọn cách tạo vỏ bọc để sống giả mà không biết rằng sống giả còn khó khăn hơn sống thật gấp bội phần. Họ không biết rằng đa phần đều không giấu được sự thật sau khi cưới ít lâu”, ông Lương Thế Huy, đại diện Tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường – iSEE) nhận định thêm về vấn đề này.
Ông Huy khẳng định, việc kết hôn vì chữ hiếu của người đồng tính thực tế là đang đi ngược lại với chữ hiếu khi đã tự làm mình khổ, trở thành kẻ làm tổn thương, lừa dối gia đình họ hàng đôi bên… Vì vậy, mỗi người đồng tính hãy cân nhắc, cuộc sống là của mình, mình phải có trách nhiệm làm cho bản thân hạnh phúc.
Riêng chuyện thỏa thuận hôn nhân của gay và les, ông Huy cho rằng: “Đây là lựa chọn cá nhân của mỗi người, nếu họ không làm tổn thương ai thì không có gì đáng lo ngại cả. Nhưng nó chỉ khác ở chuyện thay vì lừa nhau thì bây giờ là lừa gia đình hai bên. Quan trọng hơn là nó khuyến khích cho sự im lặng và họ vẫn tiếp tục sống mòn trong giả dối”.
Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) đã bãi bỏ khoản 5 Điều 10 quy định về “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” do điều luật này không phù hợp với quy định về cấm cưỡng ép hôn nhân, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn (khoản 2 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Tuy vậy, việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới vẫn đang được thảo luận và sẽ được Quốc hội quyết định vào kỳ họp tháng 5/2014 tới đây. |
Nguyễn Hòa