Bạn nên đi khám nếu bị khàn tiếng kéo dài. Ảnh: Tiếp Thị & Gia Đình. |
Hầu như trong đời, ai cũng có một lần bị mất tiếng hoặc đổi giọng. Tuy nhiên, nếu mất tiếng từ tháng này qua tháng khác, chắc chắn dây thanh của bạn đã bị trục trặc nặng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bệnh nhân như trường hợp của chị Ngọc Bảo, 40 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP HCM.
Chị là giáo viên. Cách đây hai năm, phát hiện có một khối u to ở tuyến giáp, chị xin nghỉ phép để đi phẫu thuật. Hai tuần sau, vết thương bắt đầu lành nhưng giọng của chị cứ tiếng được tiếng mất.
Khi tái khám, bác sĩ trấn an chỉ cần một thời gian ngắn nữa, giọng nói của chị sẽ được phục hồi. Chị cố gắng hạn chế nói, khi cần gì, chị viết ra giấy. Tuy nhiên, đã hết thời hạn nghỉ phép mà chị vẫn phải "bút đàm" với chồng con.
Chị đành ngậm ngùi xin nghỉ phép không lương dài hạn để chữa bệnh tiếp. Đi khám lại nhiều lần, chị đau khổ khi biết giọng nói của mình có thể bị biến dạng sau phẫu thuật, dây thanh một bên bị liệt.
Hai dây thanh của chúng ta rất dễ tổn thương. Bình thường, khi nói, không khí thoát ra từ phổi làm hai dây thanh (hình chữ V) rung lên, khép lại và mở ra nhịp nhàng. Vì một lý do nào đó, một trong hai dây bị liệt, teo, không khép lại được, dẫn đến giọng nói biến dạng.
Đeo mũ bảo hiểm sai cũng có thể liệt thanh
Theo bác sĩ Trần Việt Hồng, trưởng khoa Tai Mũi Họng thuộc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nguyên nhân gây liệt rất đa dạng.
Có người ngủ dậy sau một đêm, giọng nói đã thay đổi. Có người sau trận cảm cúm, giọng nói lào khào như... vịt đực.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp dây thanh liệt sau khi bị khối u ở não, tai biến mạch máu não, có khối u vùng trung thất, u phổi... Một số bệnh lý vùng cổ cũng có thể làm tổn thương dây thần kinh chi phối dây thanh quản.
Ngoài ra, có một số trường hợp bị mất giọng sau khi bị tai nạn và chấn thương ở cổ. Chị Thanh Vy, 26 tuổi, nhà ở quận 3 vô cùng hoang mang khi bỗng dưng khàn tiếng nặng, ăn uống hay bị sặc. Thấy không ổn, chị đi nội soi. Bác sĩ phát hiện dây thanh bên trái của chị đã bị... đơ.
Cách đây vài tuần, chị bị ngã xe máy. Dây đeo mũ bảo hiểm quá rộng đã tuột xuống cổ, thít chặt, gây tổn hại các dây thần kinh vùng cổ, ảnh hưởng đến dây thanh. May thay, trường hợp của chị có thể hồi phục.
Có nhiều phương pháp để cải thiện tình trạng liệt dây thanh , phục hồi giọng nói. Một trong số đó là luyện âm nhưng hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng vật liệu tự thân hoặc sinh học để bơm vào dây thanh bên liệt, làm tăng thể tích để hai dây thanh có thể khớp lại với nhau.
Một phương pháp nữa là chỉnh hình sụn giáp. Bác sĩ dùng vật liệu sinh học để chèn phía ngoài dây thanh bên liệt, đẩy nó vào trong.
Tại Việt Nam, một số cơ sở chuyên khoa tai mũi họng ở TP HCM và Hà Nội đã tiến hành phương pháp luyện âm và bơm vật liệu vào dây thanh, điều trị liệt dây thanh quản.
Bác sĩ Trần Việt Hồng khuyên: Khi bị khàn tiếng kéo dài, điều trị trên ba tuần không dứt, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để nội soi thanh quản tìm nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)