Hè 2024, một người đàn ông 88 tuổi ở Tokyo muốn thuê một căn hộ mới. Tìm thấy nơi ở phù hợp nhưng ông không thể làm hợp đồng thuê nhà. "Không chủ nhà nào muốn cho người cao tuổi thuê", môi giới bất động sản nói với ông.
Vấn đề của người đàn ông này phản ánh nhiều thách thức về nhân khẩu học mà Nhật Bản phải đối mặt, bao gồm già hóa, không có con, kết hôn/ly hôn muộn và sống cô độc.
Một người đàn ông khác giấu tên sở hữu 60.000 triệu yen (khoảng 9,6 tỷ đồng) tiền tiết kiệm và căn chung cư cao cấp hai phòng ngủ ở quận Minato, Tokyo.
Không có con cái thừa kế, ông dự định bán căn hộ và đi du lịch đến cuối đời. Số tiền thu về sau khi bán nhà cùng khoản tiết kiệm lên tới 100 triệu yen.
Đã chứng minh tài chính cho công ty môi giới bất động sản để thuê nhà nhưng ông vẫn bị từ chối. Nguyên nhân chính là do không thể cung cấp thông tin liên lạc của người bảo lãnh dưới 70 tuổi trong trường hợp khẩn cấp.
"Tôi không quen ai trẻ như vậy và đủ tin tưởng để giao phó tài sản, tính mạng của mình", người đàn ông này nói.
Cuối cùng, người môi giới đã tìm cho ông một căn hộ cho thuê, nhưng quá trình đó mất đến 4 tháng.
Dữ liệu điều tra dân số năm 2020, Nhật Bản có khoảng 6,7 triệu hộ gia đình chỉ có một người. Người từ 65 tuổi trở lên chiếm 12% dân số.
Một ước tính khác cho thấy tỷ lệ người chưa kết hôn hoặc kết hôn muộn ở Nhật Bản ngày càng tăng. Số lượng hộ gia đình một người cao tuổi dự kiến lên tới 8 triệu vào năm 2030.
Trên thực tế, Nhật Bản có đủ nhà trống để đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số này. Đến hết năm 2023, nước này có 9 triệu căn nhà bỏ trống. Một nửa trong số đó là nhà cho thuê.
Ryo Yamamoto, chủ tịch công ty bất động sản R65 chuyên tìm nhà cho người cao tuổi, nói hầu hết các chủ nhà ái ngại với khách thuê cao tuổi sống một mình. Lý do chính là họ có thể qua đời bất cứ lúc nào và không ai đứng ra trả khoản còn thiếu.
Khảo sát tài chính năm 2021 của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, 66% chủ nhà không muốn cho người cao tuổi thuê. 90% lý do từ chối liên quan đến nguy cơ tử vong hoặc tai nạn cao.
Giáo sư Katsuhiko Fujimori về chăm sóc sức khỏe xã hội tại Đại học Nihon Fukushi cho biết: "Khi số hộ gia đình có người cao tuổi sống một mình tăng, không thể thuê nhà trở thành vấn đề lớn".
Một người đàn ông ở Tokyo 73 tuổi ly hôn vào tháng 8/2024. Nhưng giữa tháng 12 năm ngoái mới chuyển đến căn hộ mới.
"Tôi không nghĩ việc tìm nhà lại khó khăn đến thế", ông nói.
Người này có 3 triệu yen sau vụ ly hôn. Ông thử nộp đơn xin sống trong nhà ở xã hội nhưng bị từ chối với lý do "không đủ tài chính". Tại một địa điểm khác, cam kết trả trước 10 tháng tiền thuê nhưng vẫn bị từ chối do không cung cấp được thông tin người bảo lãnh.
Theo luật năm 2017 của Nhật Bản, các tổ chức phi lợi nhuận được chỉ định hỗ trợ nhà ở có thể cung cấp tư vấn và đóng vai trò là người bảo lãnh cho khách thuê cao tuổi. Tính đến cuối năm 2023, có 769 nhóm cung cấp dịch vụ này trên khắp Nhật Bản.
Tuy nhiên, các đơn vị này đang bị quá tải do nhu cầu tăng nhanh. "Chúng tôi không có đủ nhân lực và tiền để chi trả cho các hoạt động đàm phán với chủ nhà hay liên tục thăm nom người cao tuổi", một nhân viên tình nguyện nói.
Theo giáo sư Katsuhiko Fujimori, điều quan trọng là mọi người trong cộng đồng phải quan tâm lẫn nhau, xoa dịu mối lo ngại của chủ nhà. Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên hỗ trợ tài chính cho các hội nhóm để họ thường xuyên đến nơi người cao tuổi thuê trọ quản lý, giám sát.
Minh Phương (Theo Nikkei Asia)