Tôi là một người làm trong ngành công an, gần đây tôi có theo dõi 2 sự việc về giao thông diễn ra và cảm thấy cần nêu ra suy nghĩ của mình dưới góc độ của người trong ngành.
Vụ đầu tiên là “Cảnh sát đuổi bắt ôtô điên như phim hành động” ở Hà Nội, thứ hai “Cảnh sát nổ súng, hai người đi đường trúng đạn” ở tỉnh Thanh Hóa.
Theo tôi bản chất của hai vụ trên đều giống nhau, xuất phát từ việc người giao thông (đi ôtô và xe máy) vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ, khi bị phát hiện thì có hành vi bỏ chạy gây nguy hiểm cho người khác. Ngoài ra, trong lúc bỏ chạy người vi phạm giao thông còn cố tình chèn ép, khiêu khích lực lượng chức năng.
Hành vi của những người vi phạm đó rất nguy hiểm đối với xã hội. Sẽ ra sao nếu họ đi lạng lách đâm phải người vô tội, thậm chí ôtô có thể ủi cả dàn xe trên đường? Chúng ta không thể chờ sự việc xảy ra mới tức giận, mới lên án. Chúng ta hoàn toàn có thể lường trước được sự việc sẽ là như vậy, hậu quả của nó ra sao.
Ở vụ đầu tiên “Cảnh sát đuổi bắt ôtô điên như phim hành động” chúng tôi đã rất vất vả và nhiều công sức mới ép đối tượng dừng xe được. Nhìn video các bạn cũng thấy, ban đầu chỉ có một xe cảnh sát đuổi theo nhưng đành bất lực khi ra hiệu cho đối tượng dừng xe. Sau đó phải có đến 4 xe với 7-8 cán bộ chiến sỹ truy đuổi mới ép được tài xế dừng xe lại.
Nếu đứng trên phương diện là một người bình thường đang truy đuổi đối tượng đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ lấy xe mình chặn xe? Hay các bạn sẽ cầm gạch, gậy… dọa và đập vỡ kính cho đối tượng sợ mà dừng lại? Các bạn cho như thế mới là hiệu quả?
*Video Cảnh sát truy đuổi ôtô 'điên' như trong phim |
Với chúng tôi thì không được làm như vậy. Bởi chúng tôi phải làm theo luật pháp, mà luật pháp trong trường hợp này không cho phép đe dọa đối tượng. Chúng tôi phải làm theo các bước: ra hiệu cho đối tượng dừng xe, không dừng xe thì chúng tôi ép xe, một xe không ép được chúng tôi sẽ dùng nhiều xe ép.
Chỉ trừ khi đối tượng chủ ý tông vào chúng tôi, nguy hiểm đến tính mạng thì chúng tôi mới được dùng súng bắn đạn cao su chỉ thiên. Còn nếu đường đẹp, lưu lượng giao thông ít, chúng tôi sẽ đuổi đến khi nào bắt được mới thôi. Mặt khác, trong lúc truy đuổi, tay mình không vững, xe "điên" lạng lách, khiến chúng tôi bị tai nạn thì chúng tôi tự chịu các bạn ạ.
Nhìn vào đoạn video tôi thấy thương các đồng chí, đồng đội mình, truy đuổi mãi nhưng không được tấn công, nhỡ mà đối tượng đâm vào thì thiệt thân quá.
Còn ở vụ thứ hai (Cảnh sát nổ súng, hai người đi đường trúng đạn), câu chuyện đại uý Trần Ngọc Hoàng dùng súng bắn hai người dân vi phạm, khiêu khích cảnh sát giao thông thì tôi mong các đồng chí lãnh đạo xem xét. Mong người dân nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn, vị tha hơn.
Nếu các vị mà kỉ luật nặng với đồng chí, liệu chúng ta sẽ mất đi một người cảnh sát theo đúng nghĩa không? Liệu con người đó có còn tâm huyết phục vụ nữa không? Mọi người hãy đặt mình vào tình huống người ta, xem mình có đủ bình tĩnh để không rút súng không?
* Video: Cảnh sát truy đuổi trước khi nổ súng |
Vì vậy tôi xin kiến nghị các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu các giải pháp khả thi để cho lực lượng cảnh sát giao thông nắm quyền chủ động hơn nữa trong các tình huống tương tự.
Ví dụ như: đối với xe máy, chúng ta có thể nhân rộng việc sử dụng súng bắn lưới của Thanh Hoá có tác dụng hiểu quả trong việc dừng xe, còn với ôtô một số nước cho phép cảnh sát bắn nổ lốp.
Ở nước ngoài, tôi thấy ở mỗi cửa ngõ thành phố, đều có một chốt cảnh sát giao thông, ở đó họ có quyền lục soát bất kì xe nào, kiểm tra xe, bằng lái, người… Lực lượng của họ được trang bị súng ngắn, dùi cui và cả súng dài như, xe cảnh sát luôn nổ máy, sẵn sàng truy đuổi.
Sao chúng ta không học tập điểm này của họ? Để cho người dân cảm thấy thoải mái và yên tâm khi sống ở đất nước mà lực lượng cảnh sát có thể đảm bảo an toàn cho họ, miễn là chúng tôi tuân thủ luật.
Gia đình tôi có 6 người (cả con dâu, con rể) đều làm trong ngành công an, đủ các lĩnh vực: giao thông, kinh tế, hình sự, quản lý hành chính, trật tự và cả giáo viên nữa. Có thể nói gia đình tôi là một gia đình điển hình trong ngành công an, hội tụ gần hết các mảng quan trọng của ngành. Chúng tôi yêu nghề, tôn trọng nhân dân, luôn nhắc nhở nhau để hoàn thành tốt công việc.
Vì vậy, tôi mong những người làm luật cần chặt chẽ hơn nữa và người dân thì ủng hộ pháp luật. Có như vậy thì chúng tôi – người thi hành pháp luật mới có thể áp dụng luật để mạnh tay hơn với những đối tượng làm xã hội bất an.
>> Xem thêm: Xế hộp bỏ chạy 'giỡn mặt' cảnh sát
Dima
Chia sẻ bài viết của bạn về vấn đề giao thông tại đây.