Ngay khi cuộc họp kết thúc, Huang đi thật nhanh qua bàn làm việc, chộp lấy máy hút sữa và tiến thẳng đến ôtô riêng - nơi duy nhất cô có thể tìm đến khi cần chỗ riêng tư.
"Một số bà mẹ vắt sữa trong nhà vệ sinh nhưng tôi không dám, dù nơi đó có sạch đến đâu", người phụ nữ 33 tuổi nói.
Dù đã kéo rèm che cửa sổ nhưng ánh sáng vẫn lọt vào, điều này khiến Huang liên tục đảo mắt để ý người đi đường. Nhưng cô khẳng định ở trong xe vẫn tốt hơn công ty, nơi chỉ có phòng họp là khu vực riêng tư, nhưng muốn sử dụng buộc phải đặt lịch.
Huang không phải người phụ nữ duy nhất trải qua sự khó khăn này. Hiện mỗi ngày có hàng triệu phụ nữ trẻ trên khắp Trung Quốc được gọi là "beinai mama" hay "bà mẹ bỉm sữa" đang cố cân bằng giữa việc cho con bú và sự nghiệp.
Nhiều nơi làm việc ở Trung Quốc không cung cấp phòng vắt sữa theo yêu cầu, tủ lạnh bảo quản hay giờ làm việc linh hoạt. Bất chấp các hướng dẫn của chính phủ vào năm 2016 nằm tạo điều khiện tốt nhất cho bà mẹ và trẻ nhỏ ở nơi công cộng, nơi làm việc, mọi sự thay đổi rất chậm chạp.
Theo báo cáo năm 2019, toàn Trung Quốc chỉ có khoảng 2.600 phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, chủ yếu tập trung tại các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, sân bay và nhà ga tại các thành phố lớn. Cùng năm đó, cuộc khảo sát của Quỹ nghiên cứu phát triển Trung Quốc cũng cho thấy chưa đến 30% trẻ sơ sinh của nước này được bú mẹ trong 6 tháng. Tỷ lệ này trên thế giới là 44%.
Ngoài thiếu hụt các tiện nghi, một số nhà tuyển dụng cũng không cung cấp chế độ hỗ trợ các bà mẹ mới sinh. Đó là một trong những lý do Huang chưa dám nêu khó khăn của bản thân lên công ty sản xuất của cô ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Cô cũng buộc phải thích nghi với việc thiếu thốn cơ sở vật chất và tự khắc phục.
Trước những thách thức, Trung Quốc hy vọng sẽ có hơn một nửa số trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vào năm 2025. Kế hoạch trước đó là năm 2020. Tuy nhiên với tốc độ thay đổi chậm chạp như hiện tại, các chuyên gia cho rằng mục tiêu đầy tham vọng trên chỉ làm tăng áp lực cho các bà mẹ mới sinh.
Không ít dân văn phòng đã từ bỏ việc cho con bú bằng sữa mẹ.
Dai Yingying, 35 tuổi, vẫn nhớ mình vắt sữa 2-3 lần mỗi ngày khi đi làm từ năm 2018 đến 2020. "Rất ít phụ nữ sẵn sàng cho con bú khi đi làm trở lại nhưng tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Chúng thể hiện tất cả tình yêu mà tôi dành cho con gái nhỏ", cô nói.
Ngoài túi đi làm, người phụ nữ 35 tuổi mang theo ba bình sữa và dụng cụ hút. Thời gian đầu cô liên tục bị bảo vệ tàu điện ngầm vặn hỏi khi thấy mang nhiều chai lọ. Nhưng sau vài tuần mọi người đã quen với chuyện đó.
Nhưng tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác là điều bất lợi với Dai. Cô nói dành thời gian để vắt sữa trong chuyến công tác không đơn giản. Bà mẹ một con thường phải gọi điện thoại trước cho các khách sạn để hỏi có tủ lạnh trong phòng để trữ sữa hay không.
Wang Ling, nhà trị liệu xoa bóp, người hướng dẫn các bà mẹ cho con bú và giảm đau do căng sữa, kể về một khách hàng bận rộn đến mức bỏ lỡ thời gian vắt sữa.
Vào đêm mùa đông năm 2020, khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ, Wang đã đến nhà người này. Cô rất ngạc nhiên khi thấy người mẹ vẫn tham gia cuộc họp dù đang sốt cao do viêm vú - tình trạng đau đớn do tắc nghẽn ống dẫn sữa.
"Tôi đã hỏi cô ấy tại sao vẫn khăng khăng cho con bú. Cô ấy chỉ đáp phải làm vậy vì không muốn trở thành người mẹ tồi", Wang nói.
Zhang Ziwen, nhân viên văn phòng, từng lo lắng khi hết thời gian nghỉ thai sản khi nghe nhiều người than phiền gặp khó trong chuyện vắt sữa, buộc phải cho con cai sớm. "Nhưng con trai sinh non và được bác sĩ khuyến cáo rằng sữa mẹ rất tốt cho hệ tiêu hóa nên tôi kiên trì thực hiện", Zhang nói.
Nhưng ngày đầu đi làm lại, Zhang nhận ra lo lắng của bản thân là thừa thãi. Công ty cô đã trang bị một phòng cho con bú rộng 15 m2, có thể phục vụ ba bà mẹ cùng lúc. Trong phòng còn được trang bị tủ lạnh, chậu đựng sữa và khu vực bồn rửa.
Xu Yanjin, giám đốc Văn phòng Ủy ban Phụ nữ tại Tổng Liên đoàn Lao động Thượng Hải, khẳng định sẽ giúp đỡ và dành sự ưu ái đặc biệt với những bà mẹ mới sinh. "Họ đang phải đi làm và tiếp tục cho con bú để đảm bảo sức khỏe cho các thế hệ tiếp theo nên luôn cần được quan tâm", Xu nói.
Bắt đầu từ năm 2013, Ủy ban đã làm việc với những người sử dụng lao động ở Thượng Hải để thành lập các điểm riêng cho phụ nữ đang cho con bú, với tên gọi "phòng yêu thương của mẹ".
Sau 10 năm, Xu cho biết thành phố hiện có khoảng 7.900 cơ sở trải rộng trên 100.000 doanh nghiệp. Nhận thức về tầm quan trọng của việc này dần thay đổi, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, công ty nhà nước, cơ quan chính phủ mà cả công tư nhân cũng thực hiện tốt.
Riêng các công ty không thể cung cấp không gian độc lập, kể từ năm 2021, liên đoàn lao động khuyến nghị tái sử dụng cơ sở hiện có ví dụ góc đọc sách như một khái niệm "chia sẻ" đa chức năng.
"Với những căn phòng vắt sữa tiện nghi, chúng tôi hy vọng sẽ không còn bà mẹ nào phải trốn trong nhà vệ sinh hay chui xuống gầm bàn để vắt sữa", ông Xu nói.
Minh Phương (Theo Sixthtone)