Năm 2009, cha của Daniel Lim bị chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ. Không lâu sau, mẹ anh phát hiện ung thư vú giai đoạn 3B. Là con một trong gia đình Lim vừa phải đi làm kiếm tiền vừa phải chăm sóc cha mẹ già. "Tôi thấy mình như bị ném xuống vực sâu và bị bỏ mặc cho chết đuối. Không có hệ thống dịch vụ nào hỗ trợ những người như tôi thời điểm đó", người con hiện 43 tuổi nói.
Bạn bè không hiểu được tình trạng của anh. Mới đi làm nên tài chính của Lim rất khó khăn. Bố anh là một chủ doanh nghiệp đã về hưu không có nhiều tiền. Mẹ từng là một y tá và không có bảo hiểm y tế. "Chỉ sau một đêm tôi thành trụ cột duy nhất của gia đình", anh kể.
Trong ba năm tiếp theo, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của Lim bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh ăn vặt để đối phó với áp lực, trở nên cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn. Hầu như không đêm nào Lim chợp mắt. Anh bắt đầu cô lập bản thân với xã hội.
Chăm sóc cha mẹ, đưa họ đi khám chiếm hầu hết thời gian, trong khi Lim vẫn phải đi làm. "Tôi không nghĩ đến chăm sóc bản thân", Lim nói. Những ngày đầu đó, anh uất ức, thực sự muốn bỏ rơi cha mẹ. Nhưng thời gian trôi qua, anh nhận ra mình là đứa con duy nhất, không thể làm cha mẹ thất vọng.
Lim tâm sự tình cảnh của mình với sếp và đồng nghiệp. Mọi người không chỉ cảm thông mà còn quyên góp tiền giúp đỡ gia đình anh. Sự hỗ trợ đó giúp Lim nhận ra với những người như anh, nói ra mong muốn được giúp đỡ là cần thiết.
Tiến sĩ tâm lý học Hồng Kông Adrian Low cho biết, những người chăm sóc cha mẹ già chắc chắn phải đối mặt với vô số thách thức. "Phải chứng kiến người thân vật lộn với bệnh tật và chịu cảm giác day dứt khi thấy mình làm chưa đủ có thể khiến người con căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời gây cảm giác thất vọng và bất lực. Những vấn đề này nếu không được kiểm soát có thể gây kiệt sức", tiến sĩ Low nói.
Theo chuyên gia, sự kiệt sức có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, gồm kiệt sức về thể chất, kiệt quệ cảm xúc, né tránh xã hội và trầm cảm. Tình trạng kiệt sức làm giảm khả năng chăm sóc, thậm chí khiến người con bỏ rơi cha mẹ mình.
"Khi bị kiệt sức, quan trọng là phải tìm kiếm sự hỗ trợ, thực hiện các bước kiểm soát mức độ căng thẳng của mình", chuyên gia nói.
Ngay cả khi bạn không bị căng thẳng quá mức, Low khuyên vẫn nên nhờ sự giúp đỡ. Vì phải chăm sóc người khác là công việc rất phức tạp và khắt khe. Việc có sẵn một hệ thống hỗ trợ có thể giúp bạn quản lý tốt hơn các trách nhiệm của mình và duy trì cảm xúc hạnh phúc.
Năm 2018, Lim cùng với một người sếp trực tiếp cũ, Danny Tan, thành lập một doanh nghiệp xã hội tôn vinh những người chăm sóc và người thân của họ đang mắc chứng mất trí nhớ, đặt tên là Enable Asia.
Trong 5 năm qua, doanh nghiệp giành giải nhất trong lễ hội The Enabling Festival, diễn ra tại Singapore hàng năm vào tháng 9 và tháng 10. Lễ hội nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức về chứng sa sút trí tuệ và sức khỏe tinh thần của người chăm sóc, đồng thời cung cấp các hoạt động và hội thảo vui nhộn, mang tính giáo dục.
"Tôi đã chăm cha mẹ khoảng 15 năm nay, nhưng hãy nhớ, cách duy nhất để vượt qua là tự chăm sóc bản thân, vì kiệt sức là có thật", Lim nói và khuyên nên chuẩn bị cho hành trình dài.
Anh cho rằng nên cố gắng hết sức có thể để giúp cha mẹ mình, nhưng làm nhiều không phải là cách lý tưởng. "Quan trọng là trao quyền, cho họ tự làm mọi việc có thể. Khi đó, họ sẽ thấy mình có sống có ý nghĩa, có mục đích hơn", anh đúc rút.
Limh cũng nhận thấy không bao giờ là quá trẻ để chuẩn bị cho việc phải chăm sóc cha mẹ già. Vì vậy, càng sớm chấp nhận thực tế này, bạn càng thấy hành trình mình sẽ đối diện dễ dàng hơn.
Nhật Minh (Theo SCMP)