"Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Trump đã tiên phong. Quyết định dũng cảm của ông ấy đã động viên chúng tôi làm điều đúng", Reuters dẫn lời Tổng thống Guatemala Jimmy Morales ngày 4/3 tại hội nghị chính sách thường niên của Ủy ban Các vấn đề chung Israel - Mỹ (AIPAC) ở Washington, Mỹ.
Guatemala là một trong số ít quốc gia ủng hộ quyết định hồi tháng 12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Quyết định trên đảo ngược chính sách Mỹ đã duy trì nhiều thập kỷ qua, khiến các nước Arab và đồng minh phương Tây phản đối.
"Vào tháng 5, chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm Israel thành lập. Hai ngày sau khi Mỹ chuyển đại sứ quán, Guatemala cũng sẽ đưa đại sứ quán trở lại Jerusalem", ông Morales nói. Mỹ tháng 2 thông báo mở cửa đại sứ quán tại Jerusalem trong tháng 5, trùng với thời gian Israel kỷ niệm 70 năm tuyên bố độc lập.
Israel tuyên bố lập quốc vào ngày 14/5/1948. Palestine sau đó gọi ngày 15/5 là Nakba, nghĩa là "thảm hoạ" trong tiếng Arab, khi tưởng nhớ cuộc lưu vong lớn của người Palestine. Trong giai đoạn 1947 - 1949, ít nhất 750.000 người Palestine trong tổng số dân 1,9 triệu phải bỏ chạy hoặc rời bỏ nhà cửa do cuộc chiến tranh với Israel.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở Đông Jerusalem. Israel chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế.
Năm 1959, Guatemala là quốc gia đầu tiên đặt đại sứ quán ở Jerusalem nhưng sau đó phải chuyển về Tel Aviv vì cộng đồng quốc tế phản đối những tuyên bố của Israel với Đông Jerusalem.
Như Tâm