Chị Lan ở Nam Định, đưa mẹ lên Bệnh viện K (Hà Nội) khám, đầu tháng 3. Người mẹ 67 tuổi, đau tức bụng, chán ăn, mệt mỏi, sụt 4 kg trong một tháng. Sau kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư dạ dày giai đoạn ba. Người con gái cầu xin bác sĩ giấu kết quả, nói dối là bị loét dạ dày để người mẹ không suy sụp tinh thần, khiến bệnh tim của bà tái phát.
"Nguyên tắc của tôi là không được giấu bệnh bởi họ có quyền được biết tình trạng của mình. Thế nhưng, thật khó bỏ ngoài tai mong muốn nhân đạo của người nhà", bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, nói.
Sau cùng, bác sĩ gật đầu đồng ý để bệnh nhân được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Anh nói với người bệnh đây là ca mổ nhỏ, giúp giải quyết ổ loét, song thực tế phải cắt 3/4 dạ dày do khối u lan rộng, kích thước lớn.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải điều trị hóa chất để chặn khối u phát triển, di căn. Lúc này, điều trị hóa chất đóng vai trò sống còn với sinh mạng người bệnh, bác sĩ khuyên gia đình nói sự thật để bà được điều trị đúng phác đồ.
Đáp lại, gia đình tiếp tục "nài nỉ" bác sĩ giữ bí mật, đồng thời xin chuyển bà về tuyến tỉnh theo dõi. Chị nhờ bác sĩ giải thích cho mẹ, rằng: "Về bệnh viện tỉnh để truyền vitamin, dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, thay vì nói thật là truyền hóa chất".
Nhìn bệnh nhân yếu ớt nằm trên giường, trên tay cắm ống truyền dịch, bác sĩ Nam vừa lo lắng cho người bệnh, vừa thương xót người nhà, nhưng không muốn đi ngược lại với quy tắc của mình.
Vài tháng trước, bác sĩ Nam cũng buộc phải nói dối bệnh nhân 18 tuổi, mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối, theo yêu cầu của người nhà. Người bố cầu xin giấu kết quả, nói chỉ mắc bệnh thông thường để con không bị mất tinh thần. Tuy nhiên, bệnh nhân phát hiện bệnh quá muộn, không thể mổ, chỉ điều trị hóa chất để thu nhỏ u, "rất khó để giấu trong thời gian dài".
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng rất nhiều tình huống tương tự xảy ra, đa phần do người nhà không muốn người thân đau đớn, suy sụp, bỏ điều trị. Như trường hợp bệnh nhân nam, 62 tuổi, mắc ung thư phổi giai đoạn muộn, phải truyền hóa chất. Song, khi có kết quả, gia đình xin giấu bệnh án, không cho bệnh nhân xem, chỉ nói là viêm phổi thông thường.
"Nguyên tắc bác sĩ là không được giấu bệnh, song đôi khi cũng phải nhượng bộ theo mong muốn của người nhà trong những hoàn cảnh đặc biệt", bác sĩ Tỵ nói.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người sống chung với bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm. Ngoài nỗi đau của bệnh nhân, hầu hết mọi người trong gia đình cũng bị sốc, không chấp nhận sự thật. Một số người tìm cách xoa dịu, ổn định tâm lý cho người bệnh, số khác mong muốn giấu bệnh để người thân không từ bỏ điều trị.
Lý giải tình trạng này, bác sĩ cho rằng quan niệm mắc "ung thư là án tử, không có khả năng cứu chữa" đã in sâu vào tiềm thức. Do đó, khi bác sĩ lần đầu báo tin "anh/chị/ông/bà đã bị K" thì cú sốc trên người bệnh hay người nhà đều tương đương nhau. Trường hợp tiên lượng sống thấp, nỗi đau này còn nặng nề gấp nhiều lần.
Do đó, việc giấu người bệnh về tình trạng sức khỏe được xem là cách người nhà bảo vệ bệnh nhân khỏi sự thật, tránh tinh thần suy sụp, trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị. Chưa kể, nhiều bệnh nhân tin "mổ ung thư thì chết sớm", buộc gia đình phải nói dối để người thân chấp nhận điều trị, không bỏ lỡ "thời gian vàng".
"Song, trong điều trị ung thư, không ai nói trước được điều gì vì tiên lượng mỗi bệnh nhân khác nhau", bác sĩ giải thích và cho biết việc giấu bệnh tương tự "đánh bạc với sinh mệnh".
Đơn cử, chữa ung thư không chỉ bao gồm mổ, xạ hóa trị, mà còn cần thay đổi lối sống. Nếu bệnh nhân không biết bản thân mắc bệnh, có thể vẫn duy trì các thói quen xấu như sinh hoạt thiếu điều độ, nghiện thuốc lá, uống rượu... Việc này sẽ khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu.
Trường hợp khác, nếu vô tình biết sự thật, người bệnh dễ bị sốc, đau đớn, khủng hoảng tâm lý, thậm chí chạy trốn bác sĩ để tìm phương pháp phản khoa học. Nhiều người không rõ tiên lượng của bản thân dẫn đến lơ là, chủ quan, không tin lời bác sĩ. Khi bệnh trở nặng, họ có xu hướng tức giận, hành hung mọi người, sau đó buông bỏ tính mạng. Một số bệnh nhân bị ám ảnh, không tin bản thân đang cận kề phút sinh tử, đến cuối đời vẫn không được thanh thản.
Với người ung thư giai đoạn cuối, tiên lượng dè dặt, việc biết sự thật giúp họ thu xếp thời gian còn lại hiệu quả và ý nghĩa nhất.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân có quyền biết được tình trạng sức khỏe của mình, đó cũng là vũ khí để họ phối hợp với nhân viên y tế để việc điều trị hiệu quả. Kinh nghiệm của chuyên gia cho thấy, những người có tâm lý vững vàng, khi biết sự thật họ sẽ sớm thích nghi hoàn cảnh, chiến đấu bệnh tật tốt hơn, thậm chí khỏi bệnh hoàn toàn.
Hiện, các tiến bộ y học đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến, đại tràng... Nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm. Bác sĩ khuyên người nhà nên tìm cách chia sẻ phù hợp, không nên thông báo đường đột cũng không giấu người bệnh.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An