Thứ ba, 21/1/2025
Chủ nhật, 13/8/2017, 02:08 (GMT+7)

Nơi du khách leo núi đá sắc nhọn như dao cạo

Là một khu rừng đá nhọn với răng cưa sắc như dao cạo, Tsingy de Bemaraha ở Madagascar là điểm đến đầy thách thức với dân du lịch mạo hiểm.

Nhìn chăm chăm vào những phiến đá dựng đứng nhọn hoắt bao quanh, phóng viên Dave Stumboulis có thể hiểu tại sao người dân địa phương gọi chúng là Tsingy (tên Vườn quốc gia ở Madagascar). Từ này có nghĩa "nơi mà con người không thể đi bộ được" trong tiếng Malagasy. Tsingy trải qua thời gian dài mới có hình dáng như ngày nay cùng nhiều yếu tố khác làm nơi đây trở thành một thế giới kỳ lạ. Không chỉ có dạng địa hình của những tháp nhọn đá vôi karst sắc bén, chỉ nghĩ tới việc leo lên đây thôi cũng đủ khiến nhiều du khách kinh hãi. 

Nơi du khách leo núi đá sắc nhọn như dao cạo
 
 

Vườn quốc gia Tsingy de Bemaraha của Madagascar rộng tới 1.500 km vuông được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây cũng là một trong những di sản khó tiếp cận nhất thế giới. Video: Safirizholidays.

Những tháp đá nhọn vẫn là nơi khó tiếp cận tới thập niên 1990, khi Jean-Claude Dobrill, một nhà thám hiểm Pháp lập ra Hiệp hội Antsika (Antsika nghĩa là "cùng nhau" trong tiếng Malagasy), tổ chức nhằm giúp công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây.

Với sự trợ giúp của dân địa phương, hiệp hội xây được các cây cầu, cáp thép, thang, các cọc chốt... để con người có thể di chuyển qua các khu vực địa hình nguy hiểm. Đồng thời tổ chức còn tập huấn cho hướng dẫn viên địa phương cách leo, kỹ năng an toàn, sử dụng các trang thiết bị. 9 năm sau khi thành lập Antsika, Tsing de Bemaraha trở thành điểm đến hấp dẫn khách mạo hiểm nhất ở Madagascar. 

Hiện nay dân leo núi không chuyên có thể leo an toàn tới đỉnh các tháp nhọn ở Tsingy, nhưng vào khuôn viên vườn quốc gia vẫn không dễ dàng. Nằm ở bờ biển phía tây xa xôi của Madagascar, mọi người chỉ có thể vào đây bằng con đường đất bụi, và hàng năm có 6 tháng lầy lội vào mùa mưa. Có hai dòng sông chảy qua là Tsiribihina và Manambolo, cả hai đều đầy cá sấu. Dave chọn đi Tsingy vào mùa khô, và kế hoạch là lái xe 10 giờ tới vườn quốc gia từ phía thành phố Morondava. Anh đã thuê một chiếc ôtô kèm tài xế bằng tiền mặt và được phép đi bè qua sông. 

Khoảng 20 km đi từ Morondava, nhóm của Dave đã có thể tới đại lộ của những cây baobab khổng lồ, nơi loài cây này được trồng rất nhiều và trở thành biểu tượng của Madagascar, chúng nằm dọc con đường đất. Khi hoàng hôn buông, những cái cây lớn ngả bóng dài trên mặt đường. 

Sau khi vượt qua dòng sông thứ hai ở Manambolo, cuối đường là một ngôi làng nhỏ Bekopaka. Đây là nơi ở của rất nhiều hướng dẫn viên, nhân công vườn quốc gia, cũng như các nhà nghỉ cho khách. Trong ngôi làng còn có trụ sở của vườn, nơi du khách có thể tới xin giấy phép để thuê hướng dẫn viên, các thiết bị leo núi, chinh phục Tsingy.

Trải nghiệm leo lên những tháp đá nhọn hoắt và khe đá hẹp này thực sự rất căng thẳng nhưng không kém phần háo hức. Đoạn bắt đầu, Dave phải mình xẹp bụng để bò qua các hang động rồi trượt qua những lối hẹp. Hướng dẫn viên của Dave dẫn đường, giúp đỡ đoàn của anh rất nhiều. Ba tiếng sau đó, đoàn đã tới đỉnh Tsingy, hướng dẫn viên chỉ cách buộc dây vào một cây cầu nằm ép vào các vách đá hẹp, nhọn đầy răng cưa. 

Tầm nhìn từ trên những cây cầu và điểm ngắm giúp mọi người được phóng tầm mắt nhìn khắp một vùng cao nguyên trải dài bên dưới khu rừng đá vôi sắc nhọn. Đến và chinh phục Tsingy de Bermaraha là một hành trình gian nan nhưng rất đáng để bỏ thời gian trải nghiệm, đặc biệt là những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm. 

Ảnh: Dave Stumboulis

Hương Chi (theo BBC)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net