Đa phần cha mẹ đều từng nói dối trẻ, từ kể chuyện về ông già Noel hay bà tiên răng, đến kỷ luật con bằng cách nói dối "Nếu không ăn rau, uống sữa, con sẽ không cao lên được nữa". Để bảo vệ cảm xúc của con, nhiều cha mẹ cũng chọn cách nói dối, ví dụ "Bạn gấu con đánh rơi đã được một bạn khác thay con chăm sóc". Trong một nghiên cứu, 78% cha mẹ Mỹ và 100% cha mẹ Trung Quốc thừa nhận từng nói dối con cái.
Một nghiên cứu về tác động của việc cha mẹ nói dối con cái cho thấy việc cha mẹ nói dối có thể có tác động quan trọng đến khả năng hòa nhập xã hội và hạnh phúc tương lai của trẻ.
Theo Lý thuyết học tập xã hội do nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ, Albert Bandura đề xuất, trẻ em học từ việc bắt chước hành vi của cha mẹ, vì vậy việc nói dối trẻ có thể khiến chúng tin rằng nói dối là được và làm theo.
Một nghiên cứu khác cho thấy, nếu cha mẹ nói dối, con cái có thể nói dối lại cha mẹ mình. Một số bằng chứng cho thấy cha mẹ nói dối con có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự điều chỉnh tâm lý xã hội của trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn bó của trẻ với cha mẹ. Ở mức độ cực đoan, việc cha mẹ nói dối có thể dẫn đến hành vi chống đối xã hội và bệnh tâm thần.
Esther Wojcicki, nhà giáo dục, tác giả cuốn sách bán chạy How to Raise Successful People, nói rằng cha mẹ không nên nói dối trẻ, kể cả những lời nói tưởng chừng vô hại.
Esther nuôi dạy thành công ba người con, trong đó Susan là Giám đốc điều hành của YouTube, Janet là bác sĩ, còn Anne là người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của tổ chức 23andMe.
Chuyên gia cho biết, một trong những bí quyết của bà trong việc nuôi dạy con là không nói dối trẻ. Bà ví dụ: "Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng có lúc nói dối con, những câu đại loại như "Mẹ nghĩ hàng kem đã đóng cửa rồi". Sau một thời gian, trẻ sẽ biết là mẹ nói dối. Đương nhiên không phải tất cả các kiểu nói dối đều có hại nhưng chính sự dối trá về những vấn đề quan trọng sẽ tạo ra sự thiếu tin tưởng. Niềm tin là nền tảng của mọi mối quan hệ và chắc chắn bạn không muốn phá vỡ nó".
Cha mẹ nên lưu ý gì trước khi quyết định nói dối con?
Theo tiến sĩ Ronald E. Riggio của Đại học Claremont McKenna (California, Mỹ) cha mẹ nên lưu ý các điều sau.
Số lượng lời nói dối: Không bao giờ nói dối trẻ là điều khó khăn với các cha mẹ. Vì thế, hạn chế tối đa việc nói dối con sẽ gây ra ít tác động tiêu cực hơn, so với việc nói dối thường xuyên.
Thử làm gương về sự trung thực: Vì trẻ em học hỏi và bắt chước cha mẹ nên việc cố gắng trung thực và cởi mở hơn với con sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của chúng. Làm gương về hành vi trung thực và khuyến khích con sống trung thực là một chiến lược tốt.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ tham gia vào cách nuôi dạy con theo phương pháp trao quyền, bao gồm hỗ trợ, đặt ra giới hạn thì một vài lời nói dối có thể có ít tác động tiêu cực. Ngược lại, những bậc cha mẹ độc đoán, hay trừng phạt và sử dụng những lời nói dối để giữ con trong khuôn phép có thể gây ảnh hưởng bất lợi hơn đến con.
Sẵn sàng nhận lỗi: Trong trường hợp trẻ phát hiện cha mẹ nói dối, hãy đảm bảo rằng bạn thú nhận và giải thích lý do.
Xem xét các lựa chọn thay thế cho việc nói dối: Nếu khả năng chơi violin của con không tốt, thay vì nói dối "Con chơi rất hay", hãy tập trung vào việc thẳng thắn và hỗ trợ. Bạn có thể nói: "Con cần có thêm thời gian", "Con đang dần tiến bộ hơn"...
Thùy Linh (Theo Psychology Today)