Lúc đó, tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi mình sẽ làm gì với một cô gái bé nhỏ. Chơi búp bê ư? Thắt bím tóc bằng những sợi dây đủ màu ư? Những việc đó, tôi không hề có chút hứng thú lẫn kinh nghiệm nào. Sẽ dễ dàng hơn cho tôi nếu vợ mang thai một bé trai, tôi chỉ việc đem đến một mô hình quân sự rồi hai cha con thao thao bất tuyệt về nó.
Người phương Tây hay phương Đông cũng đều có tâm lý ưu tiên về giới tính của em bé sắp chào đời. Sự cảm tính đó xuất phát từ cơ chế hoạt động của bộ não loài người chúng ta. Nó cũng giống như việc bạn thích màu đỏ hơn màu xanh vậy thôi. Theo một số nghiên cứu và thống kê, người Mỹ có xu hướng thích sinh con trai hơn con gái.
Vợ tôi đã làm một việc rất ý nghĩa khi nhận thấy sự lúng túng của tôi. Cô ấy khuyến khích tôi trò chuyện với thai nhi hàng ngày. Bằng cách đó, dần dà hình thành sự gắn kết vô hình giữa tôi và con gái. Tôi cũng nhận ra rằng chăm sóc một bé gái rất thú vị, nhờ đọc một vài cuốn sách và vô số "link" hay trên Internet. Và khỏi phải nói, tôi đã vui mừng xúc động như thế nào khi lần đầu tiên đặt bàn tay nhỏ xíu của con gái vào lòng bàn tay mình. Vượt qua được vấn đề gọi là "thất vọng giới", tôi nghĩ mình đã may mắn chứ không phải tài giỏi, hay ho gì. Chúng ta đều sở hữu bộ não khá kỳ cục, lúc thì nó khiến chúng ta thông tuệ, sáng rõ, lúc lại dẫn dụ chúng ta vào nơi tối tăm, mù quáng. Không ngạc nhiên khi có rất nhiều bậc cha mẹ lại đâm ra buồn chán, thờ ơ và không muốn chăm sóc em bé khi kỳ vọng về giới tính của đứa con không đạt được. Đến nỗi, họ phải cần đến sự tư vấn của bác sĩ tâm lý để vượt qua nỗi thất vọng này.
Việc ưu tiên một giới tính đôi khi kinh khủng hơn, nó khiến các bậc cha mẹ loại bỏ thai nhi. Trong thống kê gần đây ở Việt Nam, hàng năm có hơn 40.000 bé gái đã không thể cất tiếng khóc chào đời. Tôi tự hỏi trong số đó có bao nhiêu sinh linh đã không trọn hình hài vì lý do giới tính là con gái? Nếu có thể đổ lỗi cho cơ chế vận hành của bộ não, việc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính là có thể thông cảm được? Tôi không nghĩ như vậy. Nhiều người quen tỏ vẻ ái ngại khi biết vợ chồng tôi mới có một cô con gái. Họ khuyên: "cố có thêm một cậu con trai đi nhé" với lý do "con trai sẽ là người mang tên họ và lưu truyền nòi giống của bạn". Tôi e rằng đây chính là định kiến tạo nên áp lực phải sinh được con trai bằng mọi giá trong xã hội.
Định kiến chưa hẳn là điều gì xấu xa, gốc rễ nguyên thủy của nó chính là giúp con người bớt hoang mang và ra quyết định nhanh chóng hơn. Điều đáng nói là khi định kiến xã hội tạo ra tư duy trực giác, bám chặt trong tiềm thức con người, không thể thay đổi được ngay cả khi kiến thức, hoàn cảnh, nhu cầu thay đổi. Đôi khi chúng ta quên rằng ánh sáng của loài người chính là ở việc chúng ta có thể tự nhận thức (tư duy phản xạ). Định kiến phải sinh được con trai để nối dõi tông đường có thể xuất phát từ kiến thức sinh học, khi nhiễm sắc thể Y được cho là di truyền đến các đời sau mà không tái tổ hợp như nhiễm sắc thể X. Vấn đề là việc di truyền X hay Y diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên, đồng nghĩa với việc "cố có thêm một cậu con trai" nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Thật không may chúng ta lại thường không có nhận thức chính xác về kết quả mà sự ngẫu nhiên mang lại. Nói về chuyện mang tên họ, nói đúng ra thì phụ nữ phương Tây mới phải đổi theo họ chồng chứ phụ nữ Việt Nam (trong đó có vợ tôi) vẫn giữ tên họ theo gia đình mình sau khi kết hôn. Thậm chí nếu bạn là phụ nữ dân tộc K’Ho, thì đàn ông phải theo bạn về ở rể và đổi theo họ nhà bạn. Theo tôi biết thì pháp luật không cấm con cái mang họ của mẹ, đa phần do chúng ta không muốn điều đó mà thôi.
Mẹ vợ tôi từng mong vợ tôi - lúc đó còn trong bào thai - là một cậu con trai. Không phải bà không yêu con gái nhưng bà lo sợ con gái sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội vốn coi trọng đàn ông hơn. Điều đó có nghĩa mẹ vợ tôi nhận thức rõ sự bất công đối với phụ nữ. Bà không thích nó, muốn chống lại nó nhưng vẫn không thể vượt qua được suy nghĩ của đám đông. Nói như vậy để biết rằng thay đổi định kiến không hề dễ dàng. Cũng như chúng ta vẫn cảm thấy tức giận khi nhìn hình ảnh đàn ông nước ngoài sang Việt Nam mua vợ, những tin tức về nạn buôn bán hay xâm hại phụ nữ. Nhưng rồi chúng ta vẫn ưu tiên sinh con trai mà quên rằng nguồn gốc của những vấn đề này chính là việc trọng nam khinh nữ. Tôi không nghĩ bạn muốn Việt Nam tiếp nối kinh nghiệm không mấy tốt đẹp của Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi mà kết cấu dân số đang chênh lệch quá lớn giữa nam và nữ. Chỉ tưởng tượng đến cái ngày nhiều đàn ông phải tranh giành một phụ nữ để không phải chết già một mình, tôi đã thấy cuộc đời thật khốn khổ rồi.
Vậy để ngày đó không đến, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc thay đổi định kiến. Nếu như việc sử dụng chính sách công, quy định của pháp luật đôi khi vấp phải các vấn đề tự do, nhân quyền thì tôi nghĩ giáo dục sẽ là một công cụ mềm hữu hiệu. Nó sẽ âm thầm tạo ra một con sóng ngầm cho đến khi đạt được sự đồng thuận đủ lớn trong xã hội, sẽ tạo ra được cú hích để đổi thay.
Tôi cũng vừa tặng con gái mình một mô hình quân sự đầu tiên, bước đầu tiên trong việc giáo dục con gái xóa bỏ các định kiến đóng khung và trao quyền nhiều hơn cho con. Con gái có thể làm được những gì con trai làm được, nếu cháu thích. Dành cho các ông bố còn đang rối bời vì sắp có con gái như tôi trước đây: đừng quá lo lắng. Thực ra thế giới của bạn chỉ có một, và bạn sẽ thể hiện nó như nhau bất kể giới tính của con bạn là gì. Chưa kể những điều thú vị khi chăm sóc một bé gái, bản thân con người tôi bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn, thấu hiểu hơn, lịch lãm hơn, sử dụng nhiều ái ngữ hơn vì ý thức được rằng những điều đó rất có ý nghĩa trong hành trình lớn lên của con gái mình.
Jan Rybnik
(Nguyên tác Tiếng Việt)