Isabelle Mizzi -
Tuy nhiên, sự trải nghiệm, không gì khác ngoài "đôi mắt thâm quầng trước tuổi", mà bà đã nhắc đến ngay từ trang 16 của cuốn Người tình, mà qua đó sự phát triển của bà thể hiện một cách rõ ràng, đã biến hành trình của cái nhìn phê phán thành một sự khởi đầu thực sự, như thể sự trải nghiệm ấy cần phải được thêm nếm những nỗi xúc động không thể tránh khỏi do việc đọc mang tới, nỗi e sợ bóng đêm trong đêm tối của ngôn từ. Thế nhưng, làm thế nào để tiến lại gần ánh sáng của nhân vật đang đau đớn, làm sao để nghe được câu điệp khúc trong khúc "kinh cầu siêu cho những người vô tội" ấy, theo cách gọi của Louis Calaferte?
Người ta bắt gặp trong tác phẩm hư cấu, đặc biệt là trong cuốn Viên phó lãnh sự, những hình thức thay thế cho việc xây dựng nhân vật, những hình thức kể đảm nhiệm thay chức năng đó. Ở trang 157 của cuốn truyện, Peter Morgan, nhà văn Calcutta khẳng định dứt khoát với George Crawn về hội chứng của người Ấn Độ đẩy những người phương Tây chưa bao giờ biết nạn đói là gì vào việc tự tử.
"Tôi bị kích động vì nỗi thống khổ của những người Ấn Độ. Chúng ta đều ít nhiều gây ra nó, phải thế không? Người ta chỉ có thể nói về nỗi đau ấy khi mà người ta đảm bảo giữ được hơi thở của mình... ".
Làm cho người ta cảm nhận được sự ngột ngạt trong bản chất, đó có thể là một đòi hỏi cấp bách của thể loại tiểu thuyết, thể hiện nguồn cảm hứng, dù cho điều đó có khó khăn đến thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, nỗi đau của người khác bị đánh tan đi bởi nỗi đau khi là chính mình, sự ưu tiên đáng buồn của việc được tự do và bị thúc ép phải làm chủ chính bản thân mình, khi, ở trang 77, Jean- Marc De H., viên phó lãnh sự thú nhận với giám đốc khách sạn "Prince of Wales" rằng:
"Từ lâu tôi đã trở nên méo mó vì nỗ lực cố yêu chính bản thân mình", ta đọc lại trang 10 cuốn Người tình, khi mà nhân vật bắt khuôn mặt 18 tuổi - mà qua gương cô tin một cách hoàn toàn nghiêm túc rằng đó là khởi đầu cho sự tàn tạ của cô - phải chịu khuất phục, Duras nói rõ:
"Chẳng những không hoảng sợ vì điều này, tôi lại dõi theo việc gương mặt mình già đi với một sự hào hứng như thái độ mà tôi có thể có khi đọc sách chẳng hạn".
Nhà văn Marguerite Duras. |
Nhìn thấy, có nghĩa là đọc thấy nỗi đau đớn trong bản chất và từ chính con người mình cũng như biết cách nhận biết nhưng không thể hiện nó ra, như thể ta chỉ là khán giả của tấm chân dung tự họa chính mình, đó thực sự là nỗ lực thoát khỏi chính bản thân sau khi đã đối đầu với hình ảnh của mình. Tuy nhiên, phương pháp nhận thức cố tình vô cảm, muốn xóa đi mọi cảm xúc và sự tự thương cảm này là không đủ. Cần phải đối diện với sự thương hại được xác định bởi những con đường, những lối đi, để có cơ hội hiện diện ở bên trong người khác, trong vũng bùn lầy giữa con đường, để tưởng nhớ tới Stendhal.
"Ánh nhìn ở nơi đâu?... Ta có thể đứng đợi tình yêu đến cứu giúp ở nơi đâu?", Charles Rossett thầm tự hỏi trong tuyệt vọng tại Calcutta, trong khi cũng thầm hy vọng như biết bao người khác một sự thay đổi, biến chuyển chưa chắc đã có thể xảy ra.
Bên cạnh các nhân vật của mạch truyện chính là Jean Marc hay Charles còn có Peter, người kể chuyện phụ, một vị trí mà hiếm khi Marguerite Duras bỏ trống. Peter, người bị lôi cuốn bởi sự đam mê không dứt và nỗi thống khổ đầy vui vẻ của người đàn bà ăn mày bên bờ sông Tonlé-Sap - miếng mồi cho bản năng của những ngư dân, có con gái bị chết, cái đứa trẻ sơ sinh đã sống sót được ấy đến giây phút cuối cùng lại từ chối sống thêm, như những gì mà ông đã viết trong cái mà ông gọi là "những ghi chép tưởng tượng". Đó là hiện thân mang tính biểu tượng cho nỗi đau của tất cả những người đàn bà ăn xin, không ai biết lai lịch, người đàn bà ấy tiến về phía trước một cách hoàn toàn máy móc dưới yêu cầu của ngòi bút của Peter. Trong chương 1, có tới 10 lần ông nhắc tới việc "bà ta bước đi", có nghĩa là người đàn bà ấy bước đi trong nỗi đau khổ nhân danh tất cả những người khác cùng cảnh ngộ, và trong vòng mười năm liền. Từ Đập ngăn Thái Bình Dương cho đến India Song, bà đi về hướng hoàng hôn của buổi sáng, nơi mà "trái tim nằm bên bờ môi, màu hồng của hoa trúc đào lẫn với màu bình minh, bệnh hủi ủ từ lâu nay tách ra, động đậy và lan rộng" (trang 166). Dưới sức mạnh của nỗi ám ảnh về tình yêu, Charles Rossett cưới luôn cả cái mùi của căn bệnh hủi ẩn nấp, cũng như người đàn bà ăn xin với "trái tim chết" cuối cùng cũng đã được ăn trong hương thơm của trúc đào.
Do đó, điều còn lại phải làm đó là kết thúc nỗi đau, bằng tình yêu hoặc bằng thù hận. Câu chuyện ngắt quãng, như có một sự chia rẽ: giữa một người yêu bằng nỗi chán chường ở mức độ cao, như Charles, được gợi hứng từ Anne-Marie Stretter, và một người giết người vì không kiểm soát được cũng chính nỗi chán chường ấy, như Jean-Marc bắn những người ăn xin hay những người hủi trong các khu công viên tại Shalimar, Lahore, Jean-Marc đập vỡ mọi tấm gương trong tòa nhà lãnh sự của ông, giọng kể dao động rồi chuyển từ cơn mê sảng của ham muốn sang hình thức "dưới-hội thoại" (có nghĩa là không có lời thoại nhưng những gì được nói ra còn nhiều hơn thế) trong những tình tiết quanh co lắt léo của những tin đồn xuất phát từ những chuyện ngồi lê đôi mách gần như vô danh trong buổi tiếp khách của bà vợ, bởi vì chính tại đó, độc giả, người kể chuyện phụ, biết được điều tồi tệ nhất trong một sự tầm thường hóa ngấm ngầm.
"Có phải là cái đêm mà ông ấy đã bắn vào đám đông? (...)
- Chắc chắn rồi, ban ngày người ta sẽ biết là ai" (trang 156)
Ở trang 21 cuốn Viết, tác giả vẫn còn giải thích điều đó: "Ông ta giết chỉ để giết. Vào cái lúc mà bất kỳ ai cũng là toàn bộ nước Ấn Độ đang trong quá trình phân hủy. (...) Tất cả mọi người trong phim đều khóc. Đó là những giọt nước mắt tự do, không thể tránh được, chúng không biết vì ý nghĩa gì mà chúng rơi xuống, những giọt nước mắt thực sự, những giọt nước mắt của một dân tộc khốn khổ". Giết chết sự khốn cùng ở những người Ấn, đó là chính sách duy nhất của viên phó lãnh sự, điều đuợc thể hiện qua lời gào thét của ông: "Như người ta cầu nguyện hàng ngày, ông ta thì hét". Nhưng cụ thể hơn, tiếng gào thét ấy là sự phủ nhận lời cầu nguyện, là sự thần khải của một lối suy nghĩ không thể lay chuyển được và được thể hiện bằng việc chuyển sang hành động.
Cuối cùng cũng phải trải qua một hình phạt như phu nhân Stretter, bởi vì cũng phải có ai đó khóc, "cứ như thể đó là tôi", độc giả hẳn sẽ kết luận như vậy.
(Tham luận tại Hội thảo về Marguerite Duras tổ chức tại Hà Nội ngày 26/1)