Trên một nhóm cộng đồng bệnh nhân ung thư mà người phụ nữ quê gốc Ninh Bình tham gia, thi thoảng có người đặt câu hỏi "Nếu người thân mắc bệnh mà kinh tế khó khăn, bạn từ bỏ điều trị hay tiêu hết những đồng cuối cùng dù hy vọng mong manh?".
Đây vốn là một giả định, nhưng với Mai Thương thực tế không có nhiều "nếu như". "Dù chi phí điều trị đắt đỏ, đó cũng không phải lý do để tôi từ chối hy vọng được sống của con trai mình", cô trả lời.
Hơn 8 tháng qua, gần như ngày nào Mai Thương cũng khóc. Tháng 9/2023, sau một trận sốt không dứt phải nhập viện, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM phát hiện con trai cô, bé Nguyễn Ngọc Bảo Long có một khối u ác tính. Nhận kết quả xét nghiệm là u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, người mẹ ngã quỵ.
Bác sĩ thông báo việc điều trị ung thư cho Bảo Long là cuộc chiến kéo dài và cậu bé 5 tuổi sẽ phải trải qua nhiều đợt hóa trị có thể "đau đến tan chảy xương cốt".
Từng nghe nhiều bệnh nhân kể về thời gian chiến đấu ung thư nhưng với người mẹ trẻ, hành trình này vẫn khó khăn không thể tưởng tượng được. Những lần đầu hóa chất truyền vào người giống như một loại axit gặm nhấm nội tạng, khiến cậu con trai 5 tuổi của cô mệt lả, thậm chí không còn sức để kêu. Rồi những cơn đau thắt dữ dội khiến Long nôn mửa liên tục. Đau đớn, mệt mỏi, cả ngày cậu bé chỉ nằm bẹp trên giường, đến việc đi lại cũng cần sự trợ giúp từ mẹ.
Bảo Long vốn là một cậu bé năng động, ưa chạy nhảy. Đến khi nằm viện, cậu bé vẫn chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của căn bệnh đang hành hạ mình mỗi ngày. Long chỉ biết cơ thể đang yếu dần, mồm miệng lở loét, nuốt gì cũng thấy đau. Nằm viện trong suy nghĩ của cậu bé ngoài phải chịu "chọc ven, lấy máu, truyền hóa chất" còn đồng nghĩa với việc không được đến trường cùng chúng bạn.
Đối mặt với sự hành hạ của cơn đau, lần nào Long cũng quay sang mẹ cầu cứu. Nghe con khẩn khoản, người mẹ ngoài việc xoa đầu, vuốt lưng rồi nắm chặt bàn tay con đưa lên khuôn mặt đang chan chứa nước mắt, còn lại không biết làm thêm gì. Từng bữa cơm, cô cố gắng đút từng miếng, cưng nựng để con trai cố ăn thêm chút ít, lấy sức chống chọi với bệnh tật.
"Bảo Long hay khóc một phần vì mệt, phần khác thấy tủi thân khi bạn bè được đi học, có bố đưa đón, chăm sóc, còn mình thì không", bà mẹ đơn thân nói.
Hơn 8 tháng trong bệnh viện, người phụ nữ này dần quen với những cơn nóng giận vô cớ, những đêm con trai sốt cao run rẩy trên giường bệnh. Những lúc Long ngủ, cô lại lên mạng tìm đọc thông tin, tham gia cộng đồng bệnh nhân ung thư để học hỏi kinh nghiệm.
"Tôi không dám than trách số phận mà dành thời gian đó cho con. Dù chưa biết tương lai thế nào nhưng hai mẹ con được ở cạnh nhau ngày nào hạnh phúc ngày đó", người mẹ chia sẻ.
Vài tháng trước, cậu bé 5 tuổi được ghép tế bào gốc. Trước khi vào phòng mổ, Thương cưng nựng con trai rồi liên tục động viên nhưng Long không chịu buông tay mẹ. Thời điểm hai bàn tay tuột khỏi nhau, người mẹ hiểu rõ hơn ai hết, mỗi lần nói chia tay có thể là lời từ biệt bởi rất có thể cậu bé sẽ không tỉnh lại nữa.
Ngồi phía ngoài phòng mổ, Thương nói đó là khoảng thời gian chờ đợi dài nhất trong cuộc đời. Ngày hôm đó, bức tường của phòng mổ bệnh viện trở thành nơi cầu nguyện của người mẹ trẻ. Cuối cùng ca mổ đã thành công.
Suốt thời gian con trai nằm viện, Thương là người duy nhất cùng con vượt qua những ngày đau đớn nhất. Nhà có ba người, bà ngoại phải đi làm để trả nợ còn Thương trước làm công nhân, từ khi con đổ bệnh cũng phải nghỉ để vào viện.
Căn bệnh của Bảo Long như một "cái máy hút tiền". Hai mẹ con Thương vốn không còn đất đai ở quê, chỉ có căn nhà trọ tại quận 7, TP HCM là nơi tá túc qua ngày. Tám tháng chữa trị cho Long, họ đã tiêu vài trăm triệu đồng, phần lớn đến từ vay mượn, số còn lại nhờ vào lòng hảo tâm của người thân và các mạnh thường quân. Trường hợp của cậu bé cũng đã được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ thông qua chương trình Mặt trời Hy vọng.
Những ngày ở viện, nhiều lúc trong ví Thương không còn nổi một đồng, chỉ dám mua cơm cho con, còn mình xin cơm từ thiện. Những ngày con truyền hóa chất, cô chia một hộp cơm làm hai bữa, dành tiền mua những món Long thích hoặc những suất cơm lớn hơn để bồi bổ cho con trai.
Sau khi ghép tế bào gốc, sức khỏe của cậu bé tốt dần lên. Bảo Long đã ăn được, ngủ được và không còn bị những cơn đau, cơn sốt hành hạ. Dù đã được xuất viện theo dõi, nhưng hiện tại hai mẹ còn vẫn phải ở trong nhà, tránh tiếp xúc với bụi bẩn và không khí ô nhiễm, ảnh hưởng tới việc điều trị.
Dù không được ra ngoài vui chơi hay đến lớp cùng bè bạn nhưng với Long đó đã là hạnh phúc bởi ít nhất không phải chọc ven, truyền thuốc mỗi ngày. Cậu bé xin mẹ mua thêm giấy bút để tập tô, tập vẽ cũng như viết chữ. Nếu khỏe mạnh, sang năm Long sẽ lên lớp Một.
Trước khi phát bệnh, cậu bé 5 tuổi được cô giáo ở trường mầm non dạy viết tên mình. Giờ hàng ngày Long vẫn chăm chỉ tập luyện với mong muốn viết được tên bà ngoại và mẹ, hai người phụ nữ mà cậu nói "yêu thương nhất trên đời".
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho trẻ em yếu thế, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả xem thông tin chương trình tại đây
Hải Hiền
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.