Trong vụ chìm tàu Dìn Ký, gia đình ông Chỉnh có 9 người gồm bà Đào Thị Luận (vợ), anh Trần Đình Đồng (con trai), chị Nguyễn Thị Phượng (vợ anh Đồng, con dâu ông Chỉnh), 2 con gái Trần Thị Tương (vợ giám đốc Quách Lương Tài), Trần Thị Trang và 4 đứa cháu nội, ngoại bị chết trong ngày sinh nhật định mệnh của cháu ngoại Quách Hồng Đạt (3 tuổi).
Trời nắng chang chang, con đường nhỏ nối quốc lộ 1A vào xóm Tân Phan huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vắng lặng. Thỉnh thoảng, một vài người dân đi bầu cử tụm năm tụm bảy nói về chuyện chìm tàu, chuyện gia đình ông Chỉnh có 9 người chết thảm. Càng gần đến nhà ông Chỉnh, không khí càng nặng nề, u uất.
![]() |
Ngôi nhà ông Chỉnh có 9 người thân trong gia đình bị chết vì chìm tàu. Ảnh: Hà Khoa. |
Trong ngôi nhà gỗ nhỏ nằm giữa làng, một số anh em bà con đang đến chia buồn cùng gia đình ông Chỉnh, một số khác đang lục tục lau dọn đồ đạc để chuẩn bị đón người thân về quê, còn lại thanh niên trai tráng, anh em bà con hàng xóm đều phân công thay nhau đi đào huyệt mộ cho những người xấu số.
Ngồi ngặt nghẽo trong góc giường, ông Chỉnh nghẹn giọng: “Không biết răng mà ông trời độc ác với tui như rứa. Tết này các con cháu đang hẹn về tổ chức Lễ mừng thọ cho tui và vợ, tui cũng đang nuôi hơn 100 con gà để làm thọ, rứa mà…”.
Cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, vì nghèo nên chưa học hết phổ thông, chị Trần Thị Tương đã vào miền Nam để làm công nhân, đỡ đần cha mẹ. Duyên số đến với chị Tương khi gặp anh Quách Lương Tài rồi hai người bén duyên và nên vợ nên chồng sau 7 năm yêu nhau trong sự phản đối kịch liệt của ông Chỉnh vì anh Tài là người Trung Quốc.
Mặc dù vậy, tình yêu và sự chân tình của đôi trẻ đã chinh phục được ông Chỉnh. Từ chỗ không đồng ý, ông Chỉnh một mực rất quý trọng cậu con rể ngoại quốc của mình, gia đình chị Tương cũng làm ăn phát đạt, mở công ty chuyên sản xuất nồi cơm điện rồi buôn bán bất động sản… Nhiều người trong làng cứ tấm tắc khen chị Tương có phước.
Từ khi làm ăn khấm khá, chị Tương thường xuyên gửi tiền, quà về cho cha mẹ nghèo ở quê, cậu con rể cũng rất có hiếu với gia đình nhà ngoại khiến ai cũng vui mừng. Giữa tháng 4, chị Tương đưa mẹ là cụ Đào Thị Luận vào chơi và để chữa bệnh thì gặp nạn. “Nó thương mẹ nên đưa mẹ vào trong đó chữa bệnh ai ngờ bệnh chưa khỏi mà mẹ chết không kịp nhắm mắt”, ông Chỉnh khóc than.
![]() |
Cậu bé Trần Đình Quang trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ảnh: Hà Khoa. |
Từ ngày làm ăn khấm khá, chị Tương đã đưa vợ chồng anh trai Trần Đình Đồng – Nguyễn Thị Phượng và đứa con đầu vào miền Nam làm ăn sinh sống để trả nợ ngân hàng trước đây anh Đồng đi xuất khẩu lao động nhưng thua lỗ. Cậu con trai út Trần Đình Quang không theo cha mẹ vào miền Nam mà ở nhà với ông nội. “Ngày cha mẹ nó bị chết dưới tàu, nó đang đi bắt cua ngoài đồng để bán. Đến 10h đêm nghe đứa con trai đầu đang đi bộ đội gọi điện về thông báo cả nhà đã chết hết thì tui ngất xỉu rồi không biết chi nữa”, ông Chỉnh kể tiếp.
Dù cha mẹ và chị gái đều đã bị chết nhưng Trần Đình Quang dường như chưa nhận ra nỗi đau mất người thân. “Cha mẹ con mới gọi điện cho con hôm trước, hứa sẽ cho con vào miền Nam chơi và nghỉ hè. Cả nhà con đang sống, chưa ai chết mô, chắc là mọi người nhầm”, nghe con trẻ nói vậy, nhiều người dân cũng không cầm được nước mắt. Đến khi nghe tin chính xác rằng mọi người đang đưa thi thể của cha mẹ và chị gái về nhà, Quang mới tin là mọi người đã chết hết và ôm mặt khóc nức nở.
Ngồi bên cạnh người anh rể, cụ bà Đào Thị An, em gái bà Luận cho biết, khi con tàu Dìn Ký sắp chìm, không hiểu sao lòng cụ cứ nóng như có lửa, buổi chiều, đang bưng chậu giặt quần áo để giặt thì tự nhiên cái chậu bị rơi. Đến tối, cụ và những người thân khác nghe được hung tin, ai cũng tất tả chạy đến nhà ông Chỉnh vừa hỏi thăm vừa ôm nhau khóc ròng.
![]() |
Những huyệt mộ lần lượt được đào lên tại nghĩa trang xã Kỳ Giang. Ảnh: Hà Khoa. |
Khi nghe tin chiếc tàu bị chìm, cả ông Chỉnh, bà An và anh em, bạn bè hàng xóm đều hi vọng đội cứu hộ sẽ cứu sống được người nhà của họ. Suốt đêm 20/5, tất cả mọi người thức trắng để cầu nguyện. Đến sáng 21/5, nghe tin chưa tìm thấy ai rồi nghe tin các nhà chùa đang cầu siêu, họ tắt dần hi vọng.
Mỗi khi tỉnh dậy, ông Chỉnh lại cầm lấy chiếc điện thoại để chờ mong tin tức từ cậu con trai đầu Trần Đình Sơn đang dẫn đoàn xe đưa thi thể của vợ và các con, cháu về nhà chôn cất. Theo kế hoạch, đến 23h đêm, thi thể của 7 người sẽ được đưa về nhà để làm lễ và mai táng (thi thể chị Trang và con gái được chôn cất ở Quảng Bình).
Tại nghĩa trang xã Kỳ Giang, trời nắng chang chang, tiếng cuốc xẻng xúc đất, đá, đào huyệt mộ vang lên cả một góc đồi vắng lặng.
Nguyên Khoa