Phiên xử đường dây lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ được TAND tỉnh Quảng Trị xử ngày 16/10 khép lại với một bản án chung thân dành cho bị cáo chủ mưu Nguyễn Văn Thúy (cậu Thủy), 6 bị cáo nhận án từ 1 năm tù treo đến 25 năm tù.
Nét mệt mỏi sau hành trình dài từ Gia Lai ra Quảng Trị không che đi được nỗi day dứt trong tâm can bà Nguyễn Thị Tính. Người con này đến dự phiên tòa với câu chuyện đau đáu tìm cha trong mấy chục năm qua. Từ bé, hình ảnh người mẹ nửa đêm không ngủ, yên lặng ngồi trên giường nhìn vọng ra sân vì nhớ thương chồng hi sinh trong chiến tranh hằn sâu trong tâm trí bà. Lớn lên, bà Tính mới ý thức được nỗi nhớ của người mẹ.
Mang theo lời căn dặn “lớn lên nhớ tìm bố con nhé", bà Tính đi khắp nơi để tìm cha nhưng không thấy.
Cho đến tháng 3/2013, bà Tính liên lạc và nhờ người thân đặt lễ 15 triệu đồng với Thủy để nhờ tìm bố hy sinh ở mặt trận phía Nam. “Hai ngày sau, Thủy gọi đã tìm được bố tôi, nói là có rất nhiều kỷ vật”, bà Tính kể lại.
Khoảng 20 ngày sau, Thủy dẫn gia đình bà Tính vào huyện Bù Đăng (Bình Phước) để bốc mộ. Thủy làm lễ áp vong vào em bà Tính, rồi tìm được mộ, kèm di vật là bi đông có khắc tên liệt sĩ và đơn vị.
“Khi đào lên là lúc nhá nhem tối, có bi đông kèm xương cốt. Ai cũng trầm trồ khen Thủy, bảo tôi là chính xác rồi không cần phải giám định ADN. Tối hôm đó, cả nhà tôi không ăn uống gì. Sau này nghe tin đây là hài cốt giả, chú bác của tôi vô cùng thất vọng”, bà Tính chua xót nói.
"Khi công an đến điều tra vì không muốn khơi lại nỗi đau, chúng tôi đã từ chối giám định ADN", giọng bà Tính ươn ướt, chực trào nước mắt.
“Khi đưa bố về quê ở Thái Bình, gia đình làm rất long trọng. Giờ không phải là thân nhân, mẹ tôi cũng chưa được biết về chuyện này", bà Tính khổ tâm nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) được cha mẹ giao nhiệm vụ tìm hài cốt anh trai hy sinh tại Thừa Thiên - Huế. Tháng 10/2012, gia đình ông Thắng nhờ "cậu Thủy" giúp đỡ.
Hơn tháng sau, ông Thắng nhận tin báo ngày, giờ đi cất bốc và được hẹn ở nghĩa trang liệt sĩ Quảng Nam. Ông Thắng kể mỗi người cầm một nén nhang, rồi vong nhập vào vợ ông này. Sau đó, Mẫn Thị Duyên dìu sát, kèm vong đi và cắm hương ở đầu, chân của ngôi mộ.
“Làm lễ đến chiều tối mới khai quật, chúng tôi không ai nghi ngờ vì bên dưới có đất đen dáng hình người nằm, phía trên đầu có một cái mũ, dưới có bi đông khắc tên anh kèm quê hương, và một số cúc áo…”, ông Thắng nhớ lại.
Phần hài cốt này được gia đình ông Thắng đưa về an táng tại nghĩa trang gia đình ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. “Chúng tôi rất đau xót với sự việc. Nhưng đau khổ nhất là phần hài cốt chúng tôi đưa về, gia đình băn khoăn không biết cư xử thế nào cho phải phép?”.
Trong phiên tòa, Nguyễn Văn Thúy cho hay các phần hài cốt làm giả đều lấy từ những mộ liệt sĩ vô danh ở các nghĩa trang.
“Đó cũng là những người hy sinh cho Tổ quốc, nhưng sau phiên tòa này thì không còn là thân nhân của chúng tôi nữa. Bây giờ gia đình đau đáu không biết phải ứng xử thế nào?”, một thân nhân cho hay.
Một số thân nhân muốn “trả lại các phần hài cốt này”, nhưng ngay trong phiên xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Võ Ngọc Mậu cho hay "chưa có quy định của pháp luật" và đề nghị các ngành chức năng có phương án gửi cho thân nhân các liệt sĩ.
Nguyễn Văn Thúy cho hay đã trộm khoảng 70 ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, rồi làm giả khoảng 105 ngôi mộ.
Trong số này, một số bộ hài cốt được Thúy cất bốc cho các gia đình đưa về thờ cúng, phần khác được chôn cất tại các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị. HĐXX cũng tuyên chuyển Sở Lao động Thương binh Xã hội 3 tỉnh trên xử lý theo thẩm quyền 91 bộ hài cốt.
Từ năm 2010-2013, đường dây Nguyễn Văn Thúy lừa 8 người đi tìm thân nhân là liệt sĩ, chiếm đoạt hơn một tỷ đồng. Từ cuối năm 2012 đến giữa 2013, nhóm này lừa Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam qua 4 đợt cất bốc hài cốt tại Bình Phước, Đăk Lăk và Quảng Trị, chiếm đoạt 7 tỷ đồng.
Hoàng Táo