Thứ tư, 6/11/2024
Thứ sáu, 26/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Nỗi đau da cam di truyền qua bốn thế hệ người Việt

Khoảng 200 tư liệu về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin tới gần 5 triệu người Việt đang được trưng bày.

Chiều 25/10, tại Bộ Tư lệnh Hóa học đã phối hợp với Bảo tàng Binh chủng Hóa học và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức triển lãm chuyên đề “Da cam - Lương tri và công lý” tại Thành phố Huế. 

Hơn 200 tài liệu, hiện vật liên quan đến thảm họa chất độc da cam/dioxin khắc họa rõ nét hơn về tác hại của chất độc hóa học mà người dân Việt Nam phải hứng chịu. Trong ảnh là rừng đước ở tỉnh Cà Mau bị phá hủy bởi chiến dịch rải chất độc "Ranch Hand" của quân đội Mỹ. Theo thống kê, 25% diện tích rừng Việt Nam gồm rừng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ bị ảnh hưởng.

Các thùng hoá chất khai quang chuẩn bị xếp lên máy bay quân sự tại sân bay Đà Nẵng.

Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 chuyến bay rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó  61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống Việt Nam. 

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, di truyền qua nhiều thế hệ. Việt Nam đã di truyền qua thế hệ thứ tư. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thế hệ thứ ba, 2.000 nạn nhân thế hệ thứ tư.

Can nhựa chứa chất độc CS mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam mà ta thu được trong trận bám trụ chiến đấu bảo vệ căn cứ phía Bắc Tây Ninh vào tháng 6/1970.

Đạn M79 chứa chất độc hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Ba người con trai của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (quận 11, TP HCM) tay chân bị dị tật bởi chất độc da cam.

Nạn nhân thế hệ thứ hai, anh Kê Văn Bắc (xã A Ngo, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế).

Cặp song sinh dính nhau Việt và Đức lúc 10 tháng tuổi tại Bệnh viện Việt Đức vào tháng 12/1981.

Với những hậu quả nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin gây ra, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã gửi đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ tại toà án Mỹ, yêu cầu bồi thường.

Bộ đội Hóa học sử dụng vật liệu chuyên dụng xử lý chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa vào năm 2014.

Cựu binh Lê Thị Thu Hằng (68 tuổi, Thừa Thiên Huế) từng tham gia tại chiến trường sân bay A So đau lòng trước những hình ảnh về hậu quả mà chất độc da cam/dioxin gây ra. Cháu nội của bà cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam và đã qua đời.

Triển lãm nhằm kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam. Vụ kiện giữa nạn nhân chất độc da cam/dioxin với các công ty hoá chất Mỹ đã kéo dài hơn một thập kỷ, nhưng chưa có kết quả.

Võ Thạnh