Bốn đứa trẻ sớm mồ côi cha. Ảnh: K.C. |
Câu chuyện của Hân khiến nhiều người dân xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và khách đến thăm gia đình em không cầm được nước mắt. Hân kể, không có ruộng vườn, đồng lương của cha nuôi cả nhà. Trước lúc cha "đi", trong túi chỉ còn 20.000 đồng, cho em hết...
“Con nhớ ba lắm. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để gia đình không còn khổ nữa”, Hân vừa khóc vừa nói như hứa trước bàn thờ cha. Em tâm niệm lời hứa này có thể giúp người cha dưới "suối vàng" thanh thản hơn.
Ngôi nhà lá ọp ẹp quá nhỏ nên quan tài của anh Hùng phải để trên nhà mẹ vợ cách đó hơn 2 cây số. Có lẽ Hân chưa nghĩ tới cuộc sống của em và gia đình sẽ ra sao, không biết lời hứa bắt đầu thực hiện từ đâu... Trong em, hiện chỉ có nỗi đau mất cha án ngữ.
Sự cố sập dầm cầu Cần Thơ vừa cướp đi 33 sinh mạng đàn ông của xã Mỹ Hòa. Thảm họa xảy ra sau một tuần, ba người nữa còn nằm dưới đống bê tông đổ nát. Hơn 20 đứa trẻ bỗng mồ côi, thờ thẫn trong tai họa bất ngờ.
Không còn sức để khóc, Nguyễn Tấn Duy, 13 tuổi, con anh Nguyễn Tấn Hồng, ngồi dựa vào vách tường ngôi nhà xây dang dở, im lặng hàng giờ đồng hồ nhìn vào màn đêm đang buông.
Nhận hung tin cầu sập, cha đang cấp cứu trong bệnh viện, Duy vớ chiếc xe đạp đạp điên cuồng, trong đầu chỉ duy nhất lời cầu cho cha được sống. Nhưng em đến nơi, lời cầu nguyện thành vô nghĩa. Cha của Duy vĩnh viễn nhắm mắt mà chưa thực hiện lời hứa đem tiền về đóng học phí cho con.
Ông nội Duy kể, anh Hồng bị bệnh hơn tuần nay. "Buổi sáng ngày 26/9, tôi khuyên nó nghỉ nhưng nó bảo ra công trình để ứng tiền đóng học cho thằng nhỏ, ai dè…", ông cụ nghẹn ngào không nói hết câu. Còn chị Phan Nguyễn Hồng Điệp, mẹ của Duy, từ lúc mất chồng như người mất hồn, không ăn không ngủ, không cất một lời....
Ngôi nhà nhỏ của anh Hồng chưa xây xong, chưa kịp gắn cửa sổ vì hết tiền. Trên bàn thờ người xấu số là chiếc đồng hồ, kỷ vật duy nhất anh Hồng để lại.
Số phận cũng quá nghiệt ngã với cậu bé Nguyễn Văn Sư, 15 tuổi, con anh Nguyễn Văn Tâm. Mẹ bỏ đi sau khi sinh Sư mới đươc hơn 3 tháng, em phải nghỉ học, làm thuê cho một quán cơm ở huyện Trà Nóc, tỉnh Cần Thơ. Lần gần nhất em gặp cha là hơn 2 tháng trước.
Ngôi nhà của cha con Sư tồi tàn trống trơ, chỉ còn chiếc giường mục đến mức ngồi cũng phải e dè sợ sập. Sư đứng lặng bên bàn thờ đặt tạm của cha, không di ảnh, chỉ có tấm thẻ công nhân đặt trước bát nhang. Nỗi đau dồn nén, cào xé tâm hồn cậu bé, em không còn khóc được nữa, dường như mọi thứ đối với em đã vô nghĩa.
Còn tại nhà anh Trương Văn Chọt, cậu con út mới 2 tuổi, đầu đội khăn tang nhưng vẫn ngọng nghịu hỏi: "Ba đâu rồi?". Bé quen với việc hằng ngày, mẹ thường bế ra trước nhà đợi cha đi làm về... Mấy ngày nay, ai đi ngang nhà bé cũng gọi “ba ơi ba". Mỗi khi tiếng gọi non nớt cất lên, mẹ bé lại lặng người đi, nước mắt ràn ra.
Giống nhiều người dân xã Mỹ Hòa, anh Chọt đi làm thuê, cuốc mướn, dành dụm tiền nuôi 4 đứa con. Đứa lớn nhất 15 tuổi đã phải nghỉ học, kiếm sống phụ cha mẹ nuôi các em.
Anh Chọt thường chỉ gặp các con loáng thoáng vào buổi sáng và tối muộn, vì đi làm khi trời mới tảng sáng, tăng ca về đã ngót nghét 10h đêm.Mỗi lần bát hương của chồng được thắp thêm, vợ anh Chọt lại ngất đi. Bốn đứa con lo sợ nhìn mẹ rồi lại nhìn ảnh cha, những đôi mắt thơ dại bắt đầu có nét u uất trước tuổi. Như nhiều đứa trẻ khác ở xã Mỹ Hòa, có lẽ đến lúc chúng phải tin cha mình không còn. Miếng ăn hằng ngày khó khăn hơn và đường đến trường sẽ xa hơn những bạn đồng lứa khác...
Kiên Cường