Con trai Liu là một trong những em bé nhỏ nhất từng được sinh ra ở Trung Quốc, nặng 475 gam, tương đương ba quả táo. Dundun, tên con trai cô, là một đứa trẻ kỳ diệu thực sự. Nhưng ca sinh chỉ là bước khởi đầu trong thử thách của Liu và con.
Ở các quốc gia giàu có, tỷ lệ tử vong của trẻ sinh non vẫn cao. Ví dụ ở Mỹ, gần một nửa số trẻ sinh ra ở tuần thứ 23 không qua khỏi. Ở Trung Quốc, tỷ lệ sống sót đôi khi thấp hơn.
Trước khi Liu kịp nhìn thấy Dundun, các y tá đã nhanh chóng đưa cậu bé đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sinh non. Cô sẽ không được gặp con trong 140 ngày. Các bác sĩ đã cảnh báo Liu và chồng rằng họ không thể đảm bảo đứa trẻ sẽ sống. "Cơ hội quá nhỏ", Liu kể.
Vài tuần tiếp theo là cực hình đối với Liu. Cô dành phần lớn thời gian ở nhà một mình, chờ đợi tin tức của con. Cô cố gắng phân tâm bằng cách làm vườn, đan len và đọc sách. Nhưng Liu bị ám ảnh bởi sự lo lắng về những gì có thể xảy ra trong bệnh viện.
Những điều nhỏ nhặt nhất cũng là một thách thức rất lớn đối với trẻ sinh non. Dundun phải học cách thở, uống sữa và sống sót trong một thế giới đầy vi khuẩn. Trong phòng chăm sóc đặc biệt, cậu bé cần một lồng ấp cung cấp nhiệt độ và độ ẩm tối ưu, một ống dẫn thức ăn được đưa vào cổ họng và một ống thông mũi để cung cấp một luồng oxy ổn định. Cơ thể cậu được bao phủ bởi dây điện, nối với máy theo dõi huyết áp, nồng độ oxy trong máu và nhịp tim.
Bệnh viện sẽ gửi cho Liu một bức ảnh hoặc video về Dundun hầu hết các ngày trong tuần và gọi cho cô mỗi tuần một lần để cập nhật tình trạng. Nếu một bác sĩ gọi bất thình lình, tin xấu sẽ đến.
Sau 6 tuần, một bác sĩ gọi cho Liu để nói với cô rằng Dundun không thể đi tiểu. "Xét nghiệm chất điện giải cho thấy cậu bé có lượng natri thấp và lượng kali cao," Liu nhớ lại lời bác sĩ nói. "Và kết quả xét nghiệm thận không tốt: Có thể là do suy thận hoặc tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh".
Vào thời điểm đó, hàng loạt biệt ngữ y tế khiến Liu cảm thấy choáng ngợp. Sau khi gác máy, người mẹ phải tìm kiếm từng thuật ngữ trên mạng để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vậy mà nửa năm sau, cô vẫn nhớ từng chữ lời nói của bác sĩ.
Dù Dundun đã xuất viện, Liu vẫn sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Trong suốt một tháng, cô và chồng dành 24 giờ mỗi ngày theo dõi máy đo SpO2 gắn ở chân Dundun. Nếu con số giảm xuống dưới 90, sự sống của cậu bé sẽ nguy hiểm.
Chuyện đó từng xảy ra khi Dundun nghẹn vì uống sữa. Độ bão hòa oxy trong máu cậu bé giảm xuống còn 57, mặt tím tái. Liu đặt khuôn mặt bé xuống cánh tay và vỗ nhẹ vào lưng hết lần này đến lần khác. Cuối cùng thằng bé khóc và thở lại.
Liu phải vật lộn để đối phó với cảm xúc trong giai đoạn này. Cô thường cảm thấy bị cô lập vì xung quanh có rất ít người để có thể chia sẻ nỗi lo lắng. "Dù tôi nói chuyện với mọi người, họ không thực sự hiểu. Họ không cố ý làm vậy, nhưng khiến tôi đau khổ hơn", cô nói.
Liu không phải người mẹ duy nhất. Tại Trung Quốc, mỗi năm có gần 1,2 triệu trẻ sinh non. "Cha mẹ thường không chuẩn bị cho những căng thẳng xảy ra trong giai đoạn này. Sinh non là cú sốc lớn đối với các gia đình. Nhiều mẹ căng thẳng đến mức không thể cho con bú", Cao Yun, giám đốc khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi đồng (Đại học Phúc Đán, Thượng Hải), nói.
Jessica Wang biết quá rõ khó khăn khi sinh non. Năm 2014, khi đang làm việc tại Mỹ, cô bị chảy máu đột ngột khi mới mang thai được 28 tuần. Các bác sĩ nói cô cần sinh lập tức.
Cô không dám nói với mẹ ở Trung Quốc về việc sinh non. Wang đóng mọi tài khoản mạng xã hội và dành hàng giờ để xem lại tất cả các chi tiết về quá trình mang thai, cố gắng tìm hiểu xem mình có làm điều gì sai không. Khi bạn bè bày tỏ sự lo lắng, cô càng thấy tồi tệ. "Tôi rất nhạy cảm và mong manh, nhưng tất cả nỗi đau đều quá riêng tư không thể bộc bạch", Wang nói.
Những kinh nghiệm này thôi thúc Wang thành một blogger nuôi dạy con và thành lập Zhangxin, một tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên và duy nhất ở Trung Quốc hỗ trợ các gia đình có trẻ sinh non năm 2018. Từ đó đến nay, cô đã nói chuyện với hàng trăm cha mẹ như mình, nhận thấy nhiều người cũng trải qua cảm xúc tiêu cực: pha trộn của lo lắng, trầm cảm, xấu hổ và tội lỗi.
Năm 2019, Zhangxin đã thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 5.000 gia đình Trung Quốc có trẻ sinh non, kết quả cho thấy 90% số người được hỏi đã trải qua những cảm xúc tiêu cực và đổ lỗi cho bản thân vì con sinh non. Gần 60% cha mẹ gặp khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với các gia đình khác. Một nửa trong số họ tranh cãi với bạn đời hoặc cha mẹ. Các bà mẹ luôn cảm thấy tồi tệ hơn các ông bố.
Wang dành hàng giờ để giúp các gia đình đau khổ nắm bắt được những thuật ngữ y học phức tạp, đồng thời nhẹ nhàng khuyến khích họ nhận ra rằng việc sinh non không phải lỗi của mình.
"Họ thường mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực như tức giận, tội lỗi, cô đơn và trầm cảm. Những cảm xúc này không chỉ ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội mà còn là trở ngại khiến họ không thể nuôi dạy con cái", Wang nhận định.
Đó là lý do các bác sĩ sơ sinh như Cao cố gắng tạo ra những thay đổi bên trong bệnh viện để các bậc cha mẹ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Một sáng kiến mà cả Cao và Wang đang ủng hộ là cho phép các bậc cha mẹ Trung Quốc thực hành "chăm sóc kiểu chuột túi" trong các phòng chăm sóc đặc biệt.
Chăm sóc kiểu Kangaroo là phương pháp bế trẻ sơ sinh để da tiếp da, mà các nghiên cứu đã phát hiện có lợi về mặt y tế đối với trẻ sinh non, giúp ổn định nhịp tim và hơi thở của trẻ.
Phương pháp này hiếm khi được sử dụng ở Trung Quốc. Một mặt, hầu hết các phòng chăm sóc đặc biệt không muốn cho phép cha mẹ vào phòng vì lo lắng nguy cơ lây nhiễm. Mặt khác, nhiều bà mẹ Trung Quốc ở trong nhà và nghỉ ngơi từ 4-6 tuần sau khi sinh, theo truyền thống quốc gia này.
Wang đang tập trung vào việc xây dựng mối liên hệ giữa các gia đình có trẻ sinh non. Cô nhớ lại một sự cố gần đây, khi Zhangxin nhận được hàng tá tin nhắn tuyệt vọng từ mẹ của một em bé chào đời sau 34 tuần. Người phụ nữ đau khổ vì con mình không chịu ngủ và tin rằng đây có thể là dấu hiệu của tổn thương não.
"Chúng tôi đã nói chuyện cả đêm, giúp cô nhận ra mình vẫn đang sống dưới cái bóng của việc sinh non. Vì vậy, chúng tôi muốn kết nối những gia đình bị cô lập này, để nói rằng họ không đơn độc", Wang nói.
Trong một thời gian dài, Liu thậm chí còn sợ nói với người khác rằng mình sinh non. "Tôi sợ người khác sẽ phán xét, thắc mắc tại sao điều đó lại xảy ra với tôi hoặc tại sao lại xảy ra quá sớm", Liu nhớ lại. Cô không dám cho đi quần áo cũ của Dundun vì sợ cha mẹ khác từ chối. "Điều gì sẽ xảy ra nếu người nhận nghĩ rằng họ không may mắn?", cô nói.
May mắn thay, Dundun ngày càng lớn khỏe hơn. Nhìn con toét miệng cười, Liu lại nghĩ về giấc mơ cô có trong bệnh viện sau khi vỡ ối: Một chú mèo con lông xù chuẩn bị rơi từ ban công xuống và cô lao ra đỡ. "Tôi biết đó là Dundun. Tôi biết có thể bảo vệ thằng bé", người mẹ mỉm cười.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)