Căn nhà nằm sâu trong con hẻm đường Bình Tiên, quận 6, luôn khép cửa từ ngày Hổ ra tay sát hại hai đấng sinh thành, gần 3 năm trước. Nhắc đến phiên tòa xét xử em trai về tội Giết người sẽ được mở trở lại vào ngày 4/6, chị Võ Phạm Phi Nga nghẹn giọng, cho biết sẽ giữ nguyên quan điểm xin tha tội chết cho Hổ.
Chị từng có một gia đình đầy đủ cha mẹ, anh em yêu thương nhau, nhưng vì ma túy mà tan nát. Hiện, căn nhà này chỉ còn mình chị sống lủi thủi cùng con gái nhỏ. "Sự việc diễn ra đã lâu nhưng mỗi khi nhớ đến tôi đau đến tận xương tuỷ", chị Nga nói.
Ngoài chị Nga, Hổ còn có một anh trai kế. Ngày nhỏ, Hổ chỉ học đến lớp 5, phần vì gia đình khó khăn, phần vì học hành không tốt. Sau đó, cậu về phụ cha mẹ bán cà phê và bơm vá xe ở lề đường. Lớn hơn, Hổ đi bán vé số, phụ hồ, rồi làm bốc vác ở chợ đầu mối Bình Điền và chợ Hóc Môn. Được vài năm, gia đình phát hiện cậu có những biểu hiện không bình thường như hay nói nhảm, cười một mình, đưa đi khám thì biết bị loạn thần do sử dụng ma túy.
Từ đó, bà Phạm (mẹ Hổ) không cho con đi làm nữa, vì công việc bốc vác phải thức khuya, cũng là con đường mà Hổ tìm đến ma túy. Trị bệnh cho con được một thời gian, vợ chồng bà không kham nổi chi phí vì thu nhập bếp bênh và đã chạy vạy khắp nơi. Anh trai của Hổ có gia đình, ở riêng, và chị Nga chỉ phụ giúp được phần nhỏ cho cha mẹ.
Hổ mỗi khi lên cơn loạn thần là ra ngoài đường nói nhảm, không chịu về nhà. Bà Phạm phải đi theo năn nỉ con, bất kể sáng hay đêm. Từng bữa ăn, giấc ngủ của Hổ bà không buông lơi giây phút nào.
"Một tiếng than mẹ tôi cũng không có, thương lắm. Bà nói 'thôi coi như mẹ phải nuôi nó suốt đời, nhà có gì thì ăn đó'", chị Nga bật khóc.
Cơn ảo giác tội lỗi
Giữa năm 2021, Covid-19 hoành hành tại TP HCM, cả nước thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Những cơn loạn thần của Hổ ngày càng nặng hơn vì việc mua thuốc rất khó khăn. Thấy Hổ sốt cao, ho nhiều, bà Phạm nhờ người mua vài liều thuốc cho con uống cầm chừng.
Theo cáo trạng, khuya 1/8/2021, Hổ thấy mẹ ngủ trên nệm gần cửa ra vào liền lấy dao đâm liên tiếp. Cha của Hổ chạy đến can ngăn cũng bị con trai đâm hàng chục nhát, tử vong tại chỗ.
Bà Phạm gượng dậy mở cửa bỏ chạy ra ngoài kêu cứu, bị Hổ đuổi theo sát hại. Hắn quay vào nhà tìm Nga truy sát nhưng chị đã leo qua nhà hàng xóm tri hô. Lực lượng chức năng và người dân sau đó đến khống chế, bắt giữ Hổ.
"Đang ngủ tôi nghe mẹ la 'mày đâm tao hả'. Biết Hổ lên cơn loạn thần, tôi leo qua nhà hàng xóm nhờ gọi cảnh sát, cấp cứu đến. Khi về nhà, thấy cả cha lẫn mẹ nằm trong vũng máu, tôi điếng người", chị Nga kể, cho biết một ngày trước đó Hổ thắt cổ tự tử trên gác thì được mẹ phát hiện đưa xuống. Cha mẹ hỏi lý do, anh ta bảo "có người hại con, nếu con không chết là sẽ hại cả gia đình".
Quá trình điều tra, Công an TP HCM giám định tâm thần đối với Hổ, xác định trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội anh ta bị loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Đánh giá Hổ phạm tội với 2 tình tiết tăng nặng "giết 2 người trở lên" và "giết cha, mẹ", VKS truy tố anh ta ở khung hình phạt cao nhất (từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Tại phiên tòa hôm 29/5 (sau đó tạm dừng), Hổ nhiều lần than đau đầu, khai thời điểm trước khi gây án toàn thành phố bị giãn cách, không thể mua được ma túy, nên có những biểu hiện bất thường. "Mẹ đã mua thuốc cho bị cáo uống nhưng uống xong thì bị ảo giác. Trong đầu bị cáo luôn có tiếng nói 'thuốc mẹ cho uống là thuốc độc' và thôi thúc giết mẹ nên đã ra tay", Hổ nói.
Là người đại diện cho bị hại, chị Nga nhiều lần khóc, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho em trai. "Cha, mẹ chúng tôi đã mất. Chúng tôi chỉ có ba anh em, xin tòa xem xét cho bị cáo mức án nhẹ".
Cũng có mặt ở phiên xử, anh của Hổ khóc nghẹn, không thể trả lời.
Không chỉ chị Nga, anh trai của Hổ đã lượng thứ hết những gì đứa em gây ra. Mấy tháng trước phiên tòa, anh chạy lên chạy xuống làm giấy bãi nại, xin giảm mức án nhẹ nhất cho em mình. Ai hướng dẫn gì anh cũng làm, bằng mọi phương cách.
Dẫu biết giết cha mẹ là tội không thể tha, nhưng chị Nga luôn tìm cách "bào chữa" cho em trai. "Lúc nó giết cha mẹ là nó bị ảo giác, không nhận thức được hành vi. Lần đầu tiên tôi thăm nuôi nó trong trại giam, nó hỏi 'cha mẹ khỏe không, sao không đi thăm em?' mà tôi chỉ biết ôm mặt khóc. Thương nó nhiều hơn là trách", chị kể.
Nhắc đến việc em trai phải đối mặt với hình phạt cao nhất, chị nói bằng giọng ngắt quãng: "Cha mẹ mất đã là nỗi đau quá lớn với tôi, tôi không muốn phải chịu thêm một nỗi đau nào nữa. Tôi tin rằng, cha mẹ ở phương trời xa cũng sẽ tha lỗi cho nó, vì nó là đứa con ông bà đã rất yêu thương".
Trọng Nghĩa
*Tên nạn nhân đã được thay đổi