Trong căn nhà tuềnh toàng, rách nát dưới mé đồi ở xã Thanh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), cụ Đặng Thị Thi, 80 tuổi, vừa ôm lấy đứa cháu đang nằm bất động trên giường, vừa nghẹn ngào kể về cuộc đời bi đát của vợ chồng cậu con trai.
Chị Hoài bên mẹ chồng già yếu và cô con gái đầu dặt dẹo chờ chết. Ảnh: Nguyên khoa. |
Năm 1999, anh Phan Đại Nghĩa (32 tuổi) lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hoài (30 tuổi). Vốn mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, chị Hoài cứ ốm ngược ốm xuôi và hầu như không làm được việc gì nặng nhọc. Năm 2000, cô con gái đầu mang tên Phan Thị Chi ra đời trong niềm vui của đôi vợ chồng trẻ.
Sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác nhưng được vài ngày thì bé Chi có biểu hiện vàng da, không chịu bú sữa mẹ mà chỉ khóc ngặt nghẽo. Hai vợ chồng nghèo đưa con xuống Bệnh viện Nhi Nghệ An thì được các bác sĩ yêu cầu đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị. Cả nhà bán hết lợn gà nhưng cũng chỉ gom được gần một triệu đồng và nhanh chóng tiêu hết sau một tuần nằm ở Bệnh viện Nhi Nghệ An. Hết tiền, họ đành ngậm ngùi ôm con khóc, không thể đưa con đi Hà Nội khám.
Về nhà rồi cô bé cứ ốm lên ốm xuống, không phát triển bình thường, suốt ngày nằm ngửa và khóc ngặt nghẽo, mỗi khi trái gió, trở trời lại lên cơn co giật, toàn thân tím tái. Những lúc ấy, bà mẹ già và hai vợ chồng lại lục tục vay mượn tiền của bà con, lối xóm cháu đưa xuống thành phố Vinh điều trị, hết tiền lại mang về nhà. Đôi chân của bà và bố mẹ cũng đã đi khắp các đền chùa, theo hết các thầy bói, thầy số để mong con mình phát triển bình thường nhưng đành bất lực.
Giờ đây đã 10 tuổi, Chi vẫn mang thân hình của cô bé 5 tuổi, không biết nói, cười, chỉ nằm ngửa và khóc. Mùa đông cũng như mùa hè, Chi được mẹ đặt trên chiếc giường nhỏ không lót chiếu ở góc nhà rồi để cho bà nội chăm sóc. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều trông vào bà nội và em gái. Cụ bà 80 tuổi, lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng vẫn chưa được nghỉ ngơi, ngày ngày vẫn phải trông chừng đứa cháu, vừa làm lụng những việc khác để giúp đỡ vợ chồng anh Nghĩa.
Cứ tưởng rằng ông trời chỉ đày đọa cô con gái đầu của mình nên những hi vọng của vợ chồng anh Nghĩa, chị Hoài đặt vào cô con gái thứ 2 Phan Thị Thủy (8 tuổi) và cô con gái thứ 3 Phan Thị Ngọc (3 tuổi). Thế nhưng năm 2008, cháu Thủy bị một con trâu mộng húc vào mặt, toàn bộ vùng da mặt bị rách hoàn toàn. Hai vợ chồng phải bán toàn bộ trâu bò, lợn gà để mang con ra Hà Nội điều trị. Sau nhiều lần phẫu thuật với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng, đến nay, cháu Thủy mới bắt đầu liền vết thương nhưng miệng vẫn bị méo và để lại vết sẹo dài cả gang tay trên mặt. Cô con gái út của anh chị cũng không được phát triển bình thường bởi bị suy dinh dưỡng nặng và mắc bệnh phổi từ lúc mới lọt lòng,...
Xen kẽ giữa những đợt con bệnh tật, chị Hoài cũng lên cơn đau tim thường xuyên, cộng với chứng thiểu năng tuần hoàn não khiến chị cứ ngất lên ngất xuống. Cả nhà chỉ còn mỗi anh Đại là còn lành lặn hơn nên phải vật lộn, bươn chải với đủ nghề làm thuê để kiếm sống, nuôi mẹ già đau yếu và vợ con bệnh tật.
"Nhiều lúc đang đi làm thuê trên đồng lại nghe tin báo là vợ ngất hoặc con gái lên cơn lại phải tất tả chạy về đưa vợ, con đi cấp cứu. Mặc dù trâu bò, lợn gà, cứ nuôi được con nào là bán để chữa bệnh cho mẹ già và vợ con nhưng trong nhà thì lúc nào cũng có sẵn mấy cỗ quan tài để phòng khi trái gió trở trời mà liệu sự", vừa kể chuyện, anh Nghĩa vừa rớm nước mắt nói.
Ngồi nhìn mấy đứa con không lành lặn cùng người mẹ chồng 80 tuổi đã già yếu mà vẫn phải nai lưng kiếm sống, chị Hoài bảo: "Nhiều khi tôi đã nghĩ đến cái chết để cho đỡ khổ, nhưng nếu mình chết thì mẹ già và các con lại càng khổ hơn không chỉ vì bệnh tật mà vì còn đống nợ ngân hàng lên đến gần 100 triệu chưa trả hết. Nếu ông trời cho tôi thêm sức khỏe thì chắc là các con tôi sẽ không phải mang bệnh tật suốt đời như thế", chị đau đáu nói.
Độc giả hảo tâm xin liên hệ: anh Phan Đại Nghĩa, xóm 5 - xã Thanh Lâm - huyện Thanh Chương - Nghệ An. ĐT: 01646.563.089. Số tài khoản: 3615.205.032.375 - Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Nguyên Khoa