"Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều theo cách này", cô gái vừa tròn 20 tuổi, đang làm việc tại một nhà máy ở Đông Quan, phía nam Trung Quốc, nói.
Đằng sau câu nói là số phận cô gái trẻ mang thai năm 11 tuổi sau nhiều lần bị xâm hại tình dục. Thủ phạm là một người đàn ông 74 tuổi sống cùng làng ở tỉnh Hồ Nam. Người này bị tuyên án 12 năm tù vào tháng 4/2013, một tháng trước khi Sisi sinh đứa con đầu lòng.
Vụ án được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông năm đó. Cùng thời điểm Sisi sinh con, tờ Nhân dân nhật báo đưa tin thêm 8 trường hợp bê bối tình dục học đường khác, dấy lên làn sóng phẫn nộ chưa từng có của công chúng. Vài tuần sau, hơn 100 nhà báo nữ cùng nhau thành lập Tổ chức Bảo vệ Trẻ em gái, một tổ chức phi chính phủ lên tiếng mạnh mẽ nhất, yêu cầu các nhà quản lý phải có biện pháp ngăn chặn vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
Với Sisi, nỗi đau còn lâu mới kết thúc. Sau khi sinh con, gia đình đã gửi cô đến một thành phố phía nam Thâm Quyến, nương nhờ người họ hàng tên Xia. Nhưng chính người này lại xâm hại và làm cô bé mang thai lần hai, năm 13 tuổi.
Vụ việc thứ hai đã tạo ra một cơn giận dữ thậm chí còn lớn hơn, với cả trăm nhà báo đổ xô đến quê nhà của Sisi ở Hồ Nam. Tuy nhiên, kẻ xâm hại chưa bao giờ bị kết tội.
Lai Weinan, luật sư đại diện cho Sisi cho biết, sự thờ ơ của công an địa phương khiến vụ án đi vào ngõ cụt. "Chúng tôi đã báo cáo vụ việc vào năm 2015 và chỉ ra xét nghiệm ADN sẽ dễ dàng chứng minh người đàn ông là hung thủ. Câu trả lời duy nhất của cảnh sát là họ hiểu tình hình và sẽ theo dõi. Nhưng họ đã không làm bất cứ điều gì và cuối cùng họ bác bỏ vụ việc với lý do thiếu bằng chứng", Lai nói.
Khi phóng viên của tờ SixthTone liên lạc, văn phòng công an Thâm Quyến xác nhận vụ việc đã bị đóng lại do thiếu bằng chứng, người đứng đầu cuộc điều tra cũng đã chuyển công tác. Sau những động thái này, Sisi đã không còn ý định kiện nữa.
"Cách xử lý của các cơ quan nhà nước có thể thay đổi cuộc đời của một nạn nhân. Với Sisi, chúng ta có thể thấy cô ấy đã mất niềm tin vào mọi người", luật sư Lai nói.
Kể từ năm đó, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều bước tiến trong bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng tình dục, đặc biệt với trẻ em gái bị "bỏ lại" khi cha mẹ tha hương mưu sinh. Các quy định mới buộc trường học phải báo cáo trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy một số lượng lớn lạm dụng vẫn tiếp tục không được báo cáo. Từ năm 2017 đến giữa năm 2019, các tòa án Trung Quốc đã xử lý 8.332 vụ lạm dụng tình dục trẻ em, chỉ tăng nhẹ so với 7.610 vụ được xử lý từ năm 2013 đến 2015.
Đối với Sisi, các quy định mới vẫn chưa đủ để bảo vệ các bé gái khỏi bị lạm dụng. "Bạn có tin tất cả kẻ xấu đã biến mất? Bạn có nghĩ rằng luật mới sẽ khiến họ sợ hãi? Tôi không nghĩ vậy", cô nói.
Trên thực tế, có sự tiến bộ trong luật nhưng thái độ của xã hội với lạm dụng tình dục trẻ em còn nặng nề. Các bé gái thường bị đổ lỗi. Với Sisi, sự thiếu hiểu biết của gia đình là nguyên nhân liên tục gây ra nỗi đau và sự tuyện vọng cho cô.
Kể từ khi còn là một đứa trẻ, Sisi phải tự chăm sóc bản thân, do bố mẹ không hạnh phúc, thường xuyên đánh đập cô. Khi bị cưỡng hiếp, cha mẹ kết luận con gái mình là "hư hỏng". Lúc Sisi rời Hồ Nam đến một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ ở Bắc Kinh sau khi sinh đứa con thứ hai, cha nói với cô: "Mày bôi tro trát trấu vào mặt gia đình".
Kể từ đó, Sisi không muốn tin tưởng hay dựa vào ai. Dù được tổ chức cưu mang, dạy nghề và hứa tìm việc làm, cô ôm con bỏ đi. Sau khi trở về nhà ở Hồ Nam, mối quan hệ của Sisi với cha mẹ ngày càng xấu đi. Ông Li Chunsheng, bố cô vẫn tỏ ra không tin tưởng con gái. "Khi tôi làm shipper công nghệ, ông ấy thậm chí còn hỏi tôi: "Mày thật sự đang giao đồ ăn hay làm dịch vụ khác?".
Cùng lúc đó, ông Li kiên quyết sắp xếp hôn nhân cho con gái. Mặc dù tất cả hàng xóm đều biết chuyện của Sisi, người mai mối vẫn đến. "Một gia đình thậm chí còn đề nghị tôi 100.000 tệ (353 triệu đồng) để Sisi kết hôn với con trai họ", ông Li cho hay.
Quá phẫn nộ trước hành động của cha, Sisi đã phản pháo bằng việc chọn luôn người đàn ông trong buổi hẹn đầu tiên. Kể từ đó, cô đã có đứa con thứ ba với người này và coi anh ta là chồng của mình.
"Anh ấy hơn tôi 18 tuổi, rất tốt với tôi và bố mẹ anh ấy cũng vậy. Khi tôi nhìn thấy cách cha mẹ anh ấy chăm sóc con trai tôi, tôi cảm thấy đó là tình yêu mà mình đã thiếu", cô chia sẻ.
Đến hôm nay Sisi không muốn sống lại quá khứ. Mối quan tâm chính của cô là đảm bảo các con lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Cô bớt lo với con gái thứ hai và con trai út đang sống cùng mình, song rất lo cho con gái đầu. Cô bé được cha mẹ ruột của Sisi chăm sóc từ nhỏ, hiện sống trong trường nội trú. Con bé có xu hướng sống nội tâm như Sisi trước đây.
Sisi dự kiến sẽ bảo vệ con gái tốt hơn bằng việc chính thức kết hôn với chồng trong năm nay vì cô đã đủ tuổi. Sau đó cô sẽ chuyển hộ khẩu của các con sang gia đình mới. "Ba đứa trẻ có thể sống cùng nhau và theo học tại các trường công lập bình thường, điều này sẽ đảm bảo chúng trở về nhà vào mỗi tối", cô nói.
Người mẹ trẻ cũng đang nỗ lực để độc lập về tài chính. Từ cuối tháng 2, cô đã sống một mình ở Đông Quan, làm nhân viên kiểm tra chất lượng 12 tiếng mỗi ngày và kiếm được 4.000 tệ/tháng (hơn 14 triệu đồng).
Lướt qua video các con trên điện thoại, Sisi mỉm cười. Đôi khi, cô thừa nhận, không chắc mình nên đóng vai trò gì với chúng. Lúc dạy dỗ các con, cô thấy mình là mẹ. "Nhưng hầu hết thời gian, tôi cảm thấy mình là chị gái của chúng. Tôi với chúng lớn lên cùng nhau", cô gái là mẹ của 3 đứa con, nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)