Chồng bà Choi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn ba vào năm 2020, đã phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Samsung. Ba năm sau, bệnh tái phát, ông tiếp tục điều trị tại cơ sở này, di chuyển giữa Seoul và quê nhà Daegu.
Khi mâu thuẫn giữa các bác sĩ và chính phủ trở nên căng thẳng vào tháng 2, cả hai bắt đầu lo lắng việc chữa bệnh bị ảnh hưởng. "Chúng tôi không biết liệu có thể tiếp tục điều trị? Chúng tôi sẽ đối phó thế nào khi bác sĩ nội trú và thực tập của bệnh viện nghỉ việc", Choi nói. Các bác sĩ thực tập và nội trú chỉ chiếm phần nhỏ trong hơn 140.000 bác sĩ ở Hàn Quốc, song là lực lượng chủ đạo trong hệ thống bệnh viện đại học.
Đến đầu tháng 3, tình trạng của chồng Choi ngày càng trầm trọng, ông được đưa vào một bệnh viện đa khoa ở Daegu. Ngày 9/3, ông ho dữ dội và phải lấy máu xét nghiệm. Các bác sĩ khuyên gia đình chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế tốt hơn. Choi liên hệ với phòng cấp cứu tại một bệnh viện đại học trong khu vực, nhưng bị từ chối vì nơi này thiếu bác sĩ.
Đến 10/3, chồng bà đến Trung tâm Y tế Samsung bằng xe cấp cứu tư nhân, được chẩn đoán mắc Covid-19. 4 ngày sau, ông qua đời.
"Tôi biết rằng Covid-19 nguy hiểm đối với người bệnh ung thư phổi. Tôi không thể ngừng tự hỏi mọi chuyện sẽ chuyển hướng ra sao nếu các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú vẫn làm việc tại bệnh viện", bà Choi nói.
![Bệnh nhân ngồi xe lăn xếp hàng chờ điều trị bên ngoài phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế Asan của Seoul, ngày 18/4. Ảnh: Hankyoreh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/16/7917135152307163-jpeg-17158297-5314-2860-1715829818.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=C9gpIHjqKQ8O6jx8g-NmPw)
Bệnh nhân ngồi xe lăn xếp hàng chờ điều trị bên ngoài phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế Asan của Seoul, ngày 18/4. Ảnh: Hankyoreh
Tình cảnh của gia đình bà Choi cũng lặp lại ở nhiều bệnh nhân khác. Đơn cử, trường hợp A (giấu tên), dự kiến mổ u não lần hai tại một bệnh viện ở khu vực thủ đô Seoul vào tháng 2. Khoảng một tuần trước ngày mổ, bệnh viện thông báo hủy phẫu thuật do không có bác sĩ nội trú và thực tập sinh. Bệnh nhân A không còn cách nào ngoài chờ đợi. Trong thời gian đó, cô được đặt ống sonde ăn qua dạ dày, khiến gia đình lo lắng. Họ cho rằng cơ thể cô sẽ tiếp tục suy yếu vì gương mặt ngày càng tái nhợt.
Bệnh nhân B, 70 tuổi, điều trị ung thư gan tại một bệnh viện đại học ở ngoại ô Seoul vài năm qua. Đầu tháng 4, các bác sĩ khuyến nghị ông thực hiện nút mạch khối u (embolization procedure), nhưng ca mổ này khó sắp xếp, do bác sĩ nghỉ việc.
Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công, song tình thế bế tắc giữa giới chức và các bác sĩ khiến dư luận Hàn Quốc ngày càng bức xúc.
Các nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng bày tỏ nỗi lo. Theo Youn Hyun-jo, giáo sư khoa phẫu thuật vú và tuyến giáp của Bệnh viện Đại học Quốc gia Jeonbuk, kể từ 20/2, số ca mổ đã giảm một phần ba so với cùng kỳ năm 2023 do không có bác sĩ gây mê và giảm đau. Bệnh viện cũng không tiếp nhận bệnh nhân mới kể từ tháng 4.
"Dù nói với bệnh nhân ung thư rằng họ cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, chúng tôi đang trong tình thế bất khả kháng, thậm chí không thể ấn định ngày mổ cho họ", ông nói.
Ông cho biết bệnh nhân bắt đầu lo lắng ngay từ khi được thông báo mắc ung thư. Việc không chỉ định được ngày phẫu thuật chỉ khiến nỗi lo này lớn hơn.
"Một số bệnh nhân của tôi rời phòng khám trong nước mắt và tất cả những gì tôi có thể nói là lời xin lỗi", ông cho biết.
Kim Hye-ry, bác sĩ tại khoa ung thư và huyết học nhi khoa của Trung tâm Y tế Asan, cũng nhận định tình huống hiện tại là "cực kỳ đáng tiếc". Các y bác sĩ như Kim và Youn đang làm việc nhiều giờ liền để bù đắp cho sự vắng mặt của các bác sĩ thực tập, song những điều tệ nhất vẫn có thể xảy ra.
Một bác sĩ cho biết ông đã phải làm việc hơn 90 giờ một tuần vì các khoa huyết học, ung thư đều phụ thuộc nhiều vào những người đang đình công.
![Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: Yonhap](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/16/news-p-v1-20240408-972c2c58266-5016-8674-1715831991.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m-Mnc7oi5HSjn2BLm2mg6Q)
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: Yonhap
Kể từ ngày 20/2, các bác sĩ nội trú và thực tập đình công tập thể để phản đối chính sách tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ. Giới chức cho biết đây là phương phát ứng phó với tình hình dân số già và phân bổ thêm bác sĩ cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, giới y khoa nhận định việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế, khiến chi phí y tế của bệnh nhân tăng cao hơn. Họ cho rằng chính phủ trước tiên nên cải thiện chế độ lương thưởng, đãi ngộ cho các bác sĩ, tăng cường bảo vệ về mặt pháp lý trước các vụ kiện về sơ suất y tế.
Đến đầu tháng 5, chính phủ đã có động thái giảm leo thang như hoãn đình chỉ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ nội trú, cho trường y linh hoạt tuyển sinh, nhưng các hiệp hội y khoa phản đối. Họ lập luận giới chức cần hủy toàn bộ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, bắt tay ngay vào cải cách y tế thì mới ngồi vào bàn đàm phán.
Thục Linh (Theo Hankyoreh)