Bác sĩ Saleyha Ahsan, làm việc tại khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Ysbyty Gwynedd, dự định đón sinh nhật bên người cha, Ahsan-ul-Haq Chaudry, 81 tuổi, rồi trở về bệnh viện để trực ngày Giáng sinh. Tuy nhiên, kế hoạch mau chóng tiêu tan khi cô nhận được tin nhắn từ các anh chị em rằng cha cô không được khỏe.
Tại Bệnh viện Nữ hoàng phía Đông London, ông Chaudry được chẩn đoán mắc Covid-19 và xuất hiện triệu chứng khó thở. "Đó là viễn cảnh tồi tệ nhất", bác sĩ Ahsan cho biết.
Trong những tuần trước đó, Ahsan chứng kiến đủ mọi sự đau khổ của bệnh nhân Covid-19. Ngoài công việc chính tại bệnh viện, Ahsan thỉnh thoảng đi làm phim. Cô đã làm một bộ phim tài liệu phơi bày hiện thực đau đớn trong khu điều trị Covid-19.
Trong phim, Ahsan ghi lại câu chuyện của cặp đôi Ted và Christine. Cả hai vợ chồng họ đều mắc Covid-19 và nằm giường cạnh nhau. Một ngày nọ, Christine yêu cầu bác sĩ cởi bỏ mặt nạ khí áp lực dương vì cô thấy rất đau. Christine mỉm cười nhìn chồng lần cuối rồi trút hơi thở cuối cùng. Ted đã chứng kiến mọi thứ. Anh may mắn qua khỏi nhưng cũng thật đáng thương. Ahsan chưa bao giờ nghĩ tình cảnh này lại xảy ra với cha mình.
Ông Chaudry là một giáo viên dạy toán và khoa học máy tính đã nghỉ hưu. Vào những năm 1950, ông rời quê hương Pakistan đến Anh. Với niềm tin vững chắc vào giáo dục, ông Chaudry vừa hoàn thành bằng thạc sĩ về vật lý thiên văn. Không muốn con cái lo lắng, ông giấu đi nỗi sợ Covid-19.
"Cha chỉ nhún vai và nói: Ồ, đó là thứ khiến cả nước phải phong tỏa đúng không?", Ahsan kể lại.
Theo chính sách của bệnh viện, Ashan được phép đến chăm sóc cha cô. Cô dành 5 ngày liền bên giường bệnh của ông, giám sát mức độ oxy, nâng đỡ cha, chỉnh lại mặt nạ oxy khi nó bị lỏng. Cô không dám rời ông nửa bước, thậm chí còn ngại đi vệ sinh. Người thân của cô phải can thiệp, nằng nặc khuyên cô về nhà ngủ vài tiếng.
Với chuyên môn của mình, Ahsan biết cha cô cần những gì. Nhưng nhiều lúc, cô ước mình không phải bác sĩ. "Đôi khi, biết quá nhiều lại là cái tội. Tôi đã rất sợ hãi, liên tục nhớ đến Ted và Christine. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao người vợ lại muốn bỏ mặt nạ, vì tôi đã thấy điều đó ở chính cha mình".
Từng ngày trôi qua, ông Chaudry dần bị phụ thuộc vào chiếc mặt nạ. Cô chưa thấy bệnh nhân nào có tình trạng tệ như vậy, do họ có thể ngủ, còn cha cô thì không. Ông không được đặt nội khí quản vì bị hen suyễn và có nguy cơ không thể tỉnh lại.
Một ngày bỗng dài như một năm đối với ông Chaudry. Ông không thể bỏ mặt nạ để uống nước hay uống thuốc, vì chỉ cần tháo ra trong tích tắc cũng khiến ông hoảng loạn và ngạt thở. Đến ngày thứ năm, nhịp thở của ông thay đổi và Ahsan biết ông sắp ra đi.
Cô đọc cho ông nghe kinh cầu nguyện của đạo Hồi. "Không có ai ở đó và tôi nghĩ mình phải làm điều này. Tôi không biết cha còn giữ tỉnh táo được bao lâu, nhưng tôi hiểu cha muốn nghe những lời đó trước khi nhắm mắt. Tôi không biết cha sẽ phản ứng như thế nào. Sợ hãi ư? Hay đơn giản là "Đừng đọc nữa, cha đã chết đâu". Nhưng ông hiểu những gì sẽ đến và cầu nguyện cùng tôi những lời cuối cùng. Đó là điều khó khăn nhất tôi từng trải qua. Tôi phải chấp nhận rằng ông sắp chết", Ahsan kể lại.
Đám tang của ông Chaudry diễn ra vào sáng hôm sau với 20 người tham dự tại khu nghĩa trang mà vợ ông nằm xuống cách đây 14 năm. Tuy nhiên, ông được chôn cất tại một vị trí đặc biệt dành cho nạn nhân Covid-19. Tại đây, nhiều thi thể vẫn đang chờ để được chôn.
Sau một thời gian nghỉ phép, Ahsan quay trở lại làm việc, nhưng vẫn ám ảnh về cái chết của cha. "Trước những lời an ủi, tôi lại khóc. Với đồ bảo hộ kín mít, điều này không dễ chịu chút nào", Ahsan chia sẻ.
Không như bệnh viện cha cô nằm, nơi làm việc của cô không cho phép người nhà vào chăm bệnh nhân. "Tôi cứ nghĩ đến những người bệnh không có gia đình bên cạnh và thấy mình thật may mắn. Ít nhất tôi đã được ở bên cha", cô nói.
Ahsan mong bộ phim của cô khắc họa được áp lực khủng khiếp đè nặng lên các bác sĩ và y tá trong đại dịch. "Thế giới phải đối mặt với cả những vấn đề tâm lý do Covid-19 gây ra. Sẽ có nhiều người bị ám ảnh, chấn thương tâm lý, kiệt sức. Chúng ta phải giải quyết những căn bệnh mà nhiều người không dám đi khám vì họ quá sợ hãi".
"Khi đại dịch chấm dứt, đất nước sẽ mở cửa trở lại và cuộc sống lại tiếp diễn. Nhưng đối với chúng tôi, công việc vẫn chưa kết thúc", Ahsan nói.
Mai Dung (Theo Telegraph)