Mặc dù cho rằng mức học phí hiện nay không còn phù hợp nhưng ông Luông không đồng tình với đề án tăng học phí tại TP HCM. Thực tế, không phải đa số gia đình có khả năng đóng học phí cao như cách tính của Sở Giáo dục thành phố. Nếu hằng tháng phải nộp thêm số tiền học gấp 2-3 lần cho mỗi học sinh, ngân sách các gia đình sẽ ảnh hưởng lớn, nhất là những nhà có nhiều con đang đi học.
![]() |
Học phí tăng nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Ảnh: P.V. |
"Học phí cần tăng song cần xem xét tăng vào thời điểm nào và nên tăng từ mức thấp rồi nâng lên sau 5 năm. Nên mở rộng xã hội hóa giáo dục, tư thục hóa, cổ phần hóa trường công để nhiều tổ chức, cá nhân có tiềm năng kinh tế, có thể đóng góp", ông Luông nói.
Theo ông Võ Văn Sen, Đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM, Sở giáo dục thành phố đưa ra đề án điều chỉnh học phí thời điểm này là cần thiết, vì mức học phí hiện hành đã quá lạc hậu so với sự phát triển chung của xã hội. Ngân sách thành phố không thể bao hết nhu cầu phát triển trường lớp trên địa bàn hiện nay. Mức học phí về hệ THCS và THPT mà Sở đề xuất là hợp lý.
"Mức này có thể cao so với hiện hành nhưng không phải quá lớn đối với thu nhập của đa số gia đình học sinh. TP HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn Việt Nam và lương cơ bản của cán bộ nhân viên đã tăng 3 lần", ông Sen phân tích.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sen, học phí Tiểu học và Mầm non chỉ nên tăng tối đa 1,5 lần, để tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đều được đến trường, theo chủ trương phổ cập các bậc học này.
Ông Sen đề xuất thêm, thành phố nên đẩy mạnh hơn xã hội hóa giáo dục. Nên khuyến khích mở nhiều trường tiểu học, mẫu giáo ngoài công lập, tạo điều kiện cho các gia đình có khả năng kinh tế đóng góp theo nhu cầu. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra chất lượng hệ này một cách nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng dạy, học và sức khỏe các em.
Thu 1 khoản hằng tháng với mức đóng cao hơn học phí hiện hành có thể hỗ trợ phát triển trường lớp và hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra do thu nhiều khoản. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng THPT Gia Định, đưa ra suy nghĩ này và đề xuất thêm, mức phải nộp với đa số các THPT nên từ 200.000 đồng trở lại là phù hợp.
Cũng theo bà Cúc, khi tăng học phí, các trường nên lưu ý những học sinh khó khăn nhưng không thuộc diện miễn giảm. Thực tế, có những em không có chứng nhận trong gia đình xóa đói giảm nghèo hoặc chính sách khác, song hoàn cảnh gia đình nghèo, cần được hỗ trợ.
"THPT Gia Định từng có nhiều hình thức để giúp đỡ các em này. Nếu triển khai quy định học phí mới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát học sinh của từng lớp, kêu gọi mạnh thường quân chung tay giúp các em không có khả năng đóng góp theo mức chung", bà Cúc cho biết.
Thanh Lương