Gjystina Grishaj, 58 tuổi, là một trong số những burrenesha (trinh nữ trọn đời) cuối cùng của Albania. Đây là truyền thống xa xưa, khi người phụ nữ tuyên thệ từ bỏ tình dục, hôn nhân và quyền làm mẹ để đổi lấy quyền sống và làm việc như một người đàn ông trong xã hội vốn có truyền thống gia trưởng sâu sắc.
Grishaj lớn lên trong thời kỳ khó khăn và hỗn loạn sau khi Albani gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Gia đình bà chật vật kiếm sống trong ngôi làng Lepushe hẻo lánh nằm dọc biên giới phía bắc hiểm trở của Albania, nơi mùa đông cực kỳ khắc nghiệt và người dân duy trì nhiều tập tục truyền thống.
Hơn 30 năm trước, chị gái đi lấy chồng, anh cả qua đời, còn cha mắc bệnh hiểm nghèo, khiến gia đình 6 người của Grishaj mất đi trụ cột. Grishaj chấp nhận hy sinh, quên đi giới tính của mình để chẻ củi, lái máy kéo, chăn gia súc để nuôi sống gia đình.
![Gjystina Grishaj](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/06/14/33HA6VM-preview-1688-1686718227.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kIS5OI6EvSGTrA46i90nSg)
Gjystina Grishaj chẻ củi trong ngôi nhà trên núi ở làng Lepushe, cách thủ đô Tirana khoảng 200 km, ngày 25/5. Ảnh: AFP
"Tôi quyết định lao động như một người đàn ông để giúp các em học hành và cha tôi chữa bệnh", bà tâm sự. Mẹ của Grishaj nhiều lần phản đối, kiên quyết buộc con gái lấy chồng, nhưng "mỗi khi có người tới hỏi cưới, tôi lại trốn đi".
Việc tuyên thệ trở thành một trinh nữ suốt đời giúp bà thoát khỏi các cuộc hôn nhân sắp đặt mà không làm bẽ mặt gia đình. Bà để tóc ngắn, mặc quần dài và được phép uống rượu mạnh trong quán cùng đàn ông, trở thành người có tiếng nói quyết định trong nhà.
Trong ngôi làng chỉ có 20 người sinh sống, bà được người ta trìu mến gọi là Duni. Paulin Nilaj, chủ một nhà khách ở Lepushe, cho hay Grishaj chọn từ bỏ vai trò phụ nữ để lao động vất vả, khiến cộng đồng tôn trọng.
"Cô ấy cư xử như đàn ông để đạt được địa vị đặc biệt", ông nói thêm. "Tôi đã quen với việc cô ấy từ lâu như thế, nên nếu có ngày cô ấy lấy chồng, tôi sẽ rất ngạc nhiên".
Aferdita Onuzi, nhà nhân chủng học, cho hay lựa chọn của Grishaj "rất đáng trân trọng và đầy vinh dự".
"Những phụ nữ quyết định trở thành trụ cột gia đình, kề vai sát cánh với đàn ông làm những việc vất vả nhất, đều được mọi người kính trọng. Đó là sự hy sinh cao cả", ông nói.
![Ngôi nhà trên núi của Gjystina Grishaj ngày 25/5. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/06/14/33HA6VL-preview-4580-1686718227.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0hh6NS8EDQ7PqRuFD00m6A)
Ngôi nhà trên núi của Gjystina Grishaj ngày 25/5. Ảnh: AFP
Không có số liệu chính thức về burrenesha ở quốc gia vùng Balkan 2,8 triệu dân này. Đa số chuyên gia cho rằng Albania chỉ còn vài burrenesha, trong bối cảnh đất nước đang hiện đại hóa và từ bỏ các tập tục cũ.
"Có thể chương này sẽ khép lại ở đời tôi, không ai sẽ trở thành burrenesha nữa. Vì cuộc sống bây giờ đã khác, không còn áp lực như xưa nữa. Họ có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào mình muốn", Grishaj nói.
Các chuyên gia cho rằng lựa chọn trở thành burrenesha ít liên quan tới tình dục. "Sắc dục không phải là lý do", theo Elsa Ballauri, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, quản lý một bảo tàng dành riêng cho phụ nữ Albania ở thủ đô Tirana.
Hiện tượng này "là kết quả của hoàn cảnh buộc ai đó phải tự đặt mình vào xã hội của đàn ông", Ballauri nói thêm.
Grishaj bác bỏ mọi quan điểm cho rằng cô quyết định trở thành burrenesha vì vấn đề giới tính, cũng không quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình. "Không quan trọng, đó là cuộc đời tôi", bà nhún vai nói.
Nhưng ở tuổi gần lục tuần, Grishaj cảm thấy cô đơn sau khi người thân trong gia đình chuyển sang nước ngoài sinh sống để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, bỏ lại bà vò võ trong ngôi nhà cũ trên núi ở làng Lepushe.
"Sau tất cả những hy sinh mà tôi dành cho gia đình, nỗi cô đơn đè nặng lên tôi", Grishaj nói. "Trước đây có rất nhiều người sống trong ngôi nhà lớn này, nhưng bây giờ nó lúc nào cũng chìm trong yên lặng. Tôi rất buồn".
Sau cả đời làm việc bên ngoài, Grishaj giờ đây phải học những việc nội trợ đã lâu không làm như nấu nướng và dọn dẹp.
Cả đời làm việc vất vả nhưng bà không tích cóp được bao nhiêu. Để kiếm sống, bà chế thuốc thảo mộc từ hoa dại và rễ cây trên núi, ủ rượu trái cây để bán cho khách du lịch.
Grishaj từ chối nhờ anh chị em hoặc 12 cháu trai và cháu gái đang định cư ở nước ngoài giúp đỡ. "Cuộc sống của họ cũng khó khăn", bà nói. "Họ đều là những người Albani nhập cư".
Hồng Hạnh (Theo AFP)