Thứ ba, 23/4/2024
Thứ sáu, 28/8/2015, 14:46 (GMT+7)

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập

Bí mật nghỉ tại ngôi nhà ở làng Gạ (Phú Thượng, Hà Nội), sau đó về làm việc tại nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành được chính quyền, tin thắng lợi nhanh chóng được báo lên Tân Trào. Cuốn Lịch sử cảnh vệ công an nhân dân Việt Nam giai đoạn 1941-1954 ghi, ông Nguyễn Lương Bằng khi đó được Trung ương cử về phối hợp với Thành ủy Hà Nội chuẩn bị nơi ăn nghỉ, làm việc để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội.

Ngày 23/8/1945, đoàn bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thị xã Thái Nguyên về xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội). Xe về đến Phúc Yên, Hồ Chủ tịch và các cán bộ đi bộ dọc đê sông Hồng về làng Canh, đối diện bên kia sông là bến đò Gạ của thôn Phú Gia (Phú Thượng). Trong ảnh là khu vực bến đò Gạ bên sông Hồng, hướng nhìn về phía Phúc Yên.

Từ làng Canh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thuyền vượt sông Hồng, đến bến đò Gạ. Qua 70 năm, dòng nước ăn lở vào gần mép đê, dấu tích xưa không còn, bến mới được người dân Phú Thượng xây ngay tại khu vực bến đò Gạ trước đây.

Đò cập bến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng về nghỉ ở nhà ông Công Ngọc Kha (tức Trần Lộc) tại làng Gạ. Từ đầu năm 1945, gia đình ông Công Ngọc Kha đã là cơ sở ăn ở đi lại của cán bộ.

Ngôi nhà ông Kha được xây dựng năm 1931, có năm gian xây gạch lợp ngói, hai bên có hai gian buồng và ba gian phòng giữa. Nhà cách đê sồng Hồng khoảng 100 m, từ sân nhà cũng có lối đi sang các nhà khác trong làng rất thuận tiện.

Ba gian giữa trong nhà ông Công Ngọc Kha là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc từ chiều 23 đến 25/8/1945. Chiếc sập giữa nhà là nơi Hồ Chủ tịch nằm nghỉ, bộ bàn ghế phía sau là nơi Người làm việc, tiếp cán bộ từ nội thành ra báo cáo, bàn bạc công việc.

Hành lang phía trước ngôi nhà của ông Công Ngọc Kha vừa thoáng mát, vừa kín đáo che chắn nơi Hồ Chủ tịch nghỉ và làm việc. Trải qua 70 năm, ngôi nhà tại làng Gạ cùng đồ đạc vẫn giữ gần như nguyên trạng. Con trai ông Công Ngọc Kha trông coi ngôi nhà, hàng ngày lau dọn và mở cửa tiếp đón mỗi khi có đoàn khách tới thăm.

Nắm bắt tình hình chính trị - xã hội ở nội đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định vào nội thành Hà Nội sớm hơn dự định. Sáng 25/8/1945, các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra làng Gạ báo cáo tình hình và đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội thành. Trên ôtô, Hồ Chủ tịch cùng ông Võ Nguyên Giáp và hai cận vệ đều hóa trang. Xe về đến ngôi nhà số 35 Hàng Cân thì dừng lại. Đây chính là mặt phía sau của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang.

Căn nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một tư sản dân tộc được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành Đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của ông Nguyễn Lương Bằng. Vì ở giữa phố buôn bán sầm uất, nhà có cửa hàng buôn bán tơ lụa nhiều người ra vào nên dễ bề che mắt mật thám, chỉ điểm.

Chủ nhà mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng cùng lên ở tầng hai. Tầng hai khá rộng, phòng ngoài được bố trí làm nơi Hồ Chủ tịch tiếp khách, phòng phía trong để nghỉ và làm việc.

Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc tại 48 Hàng Ngang từ tối 25/8 đến ngày 2/9/1945.

Trong những ngày ở ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tâm huyết để soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập. Trên chiếc bàn làm việc nhỏ trên gác hai này, bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hoàn thành.

Cũng trong ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bộ tại số 48 Hàng Ngang, một căn phòng trên gác hai phía sau phòng nghỉ được bố trí làm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban dân tộc giải phóng. Tại căn phòng này, cuộc họp của Ủy ban dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia. Cuộc họp của Thường vụ Trung ương nhất trí lấy 2/9/1945 là ngày tổ chức cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình và tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bắc Bộ phủ (số 12 Ngô Quyền, Hà Nội). Tại một căn phòng nhỏ bài trí giản đơn trên tầng hai, Hồ Chủ tịch đã nghỉ và làm việc từ 2/9/1945 đến tháng 12/1946, trước khi tạm rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Quý Đoàn