Phần lớn thị trường Châu Á là lãnh địa của các dòng họ kinh doanh lớn như Samsung (Hàn Quốc), Reliance Industries (Ấn Độ) hay Hon Dai (Đài Loan). Dấu chân của những hãng này cũng đang in dần lên thị trường thế giới.
Một nửa số doanh nghiệp châu Á, 1/3 giá trị tổng thị trường cổ phiếu khu vực cũng như hàng triệu công nhân nằm trong tay các tập đoàn kể trên. Theo đó, họ được xem là những "đế vương" chèo lái thị trường châu Á và giữ vai trò chìa khoá thành công đối với các nước có nền kinh tế mới nổi.
![]() |
Không ít gia tộc kinh doanh nổi tiếng ở châu Á rơi vào cuộc khủng hoảng trong giai đoạn chuyển giao thừa kế. |
Tuy nhiên, một thế hệ "đế vương" sắp đi qua, trao lại thành luỹ cả một đời gây dựng cho thế hệ trẻ. Giai đoạn chuyển dịch này phải chăng là một thách thức lớn. Ông Joseph- một chuyên gia tài chính và kế toán thuộc trường đại học Trung Hoa đã có nhiều nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình tại Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Ông chỉ ra rằng rất nhiều doanh nhân châu Á là những thương gia xuất sắc, song họ vẫn thất bại khi đối mặt với vấn đề kế nghiệp.
Câu chuyện không mấy xa lạ này được đăng trên nhiều báo kinh doanh hay tạp chí lá cải ở châu Á. Các tít báo được đưa lên hết sức giật gân với những cái tên như "Lee Kun Hee- vị chủ tịch 70 tuổi của tập đoàn điện tử Samsung bị người thân kiện cáo vì quyền thừa kế"; "Winston Wong- con trai của ông trùm Wang Yung Ching kiện khiếu nại đòi lại 4 tỷ đô từ gia đình riêng của cha"; "Mukesh Ambani- người đàn ông giàu nhất Ấn Độ tranh chấp đế chế Reliance với anh trai Anil trong 5 năm ròng" hay "Ông trùm casino Hong Kong- Stanley Ho đấu đá với cả con cháu mình để bảo toàn các sòng bài"...
Giáo sự Fan nhận định rằng: "Nhiều nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ mang tầm hệ thống. Những doanh nhân trên đều sở hữu các công ty lớn, chi phối toàn bộ thị trường khu vực. Ví dụ như sản nghiệp của dòng họ Hồ chiếm tới 40% nền kinh tế Macau.
Giáo sư Fan cũng đã triển khai một công trình nghiên cứu trên 250 dòng họ kinh doanh từng trải qua khủng hoảng. Nghiên cứu cho thấy doanh thu của các công ty này giảm tới 60% trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Đối với các nhà lãnh đạo, thách thức lớn nhất là truyền lại cho người kế nghiệp những gia sản vô hình như năng lực, uy tín hay sự liên kết điều hành công ty.
"Đơn cử như ai cũng có thể xây một ngôi nhà như ông Li Ka Shing- người đàn ông giàu nhất châu Á. Nhưng không phải ai cũng có được danh tiếng hay các mối quan hệ chính trị như ông ta", giáo sư Fan đưa ví dụ.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải dòng họ kinh doanh nào cũng xảy ra các cuộc nội chiến khốc liệt. Nhiều nhà kế nghiệp trẻ đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán. Không ít đế chế vẫn bền vững hùng mạnh sau nhiều đời lãnh đạo. Công ty Li& Fung tại Hong Kong là một điển hình. Tập đoàn thương mại này đã được ba đời con cháu của dòng họ duy trì và phát triển, trải qua nhiều thời kỳ khó khăn. Thế hệ thứ ba là hai anh em William và Victor Fung, chính thức tiếp nhận quyền thừa kế vào năm 1972, sau khi tốt nghiệp đại học Havard.
Tại hội nghị lãnh đạo công ty diễn ra trong tháng trước, ông William phát biểu rằng: “Một trong những thách thức đầu tiên mà Victor và tôi phải đối mặt khi trở lại công ty là làm thể nào để mở rộng quy mô doanh nghiệp với năng lực điều hành và các nguồn lực tài chính còn hạn chế”.
Hai anh em ông đã đi tới giải pháp đặt công ty vào thị trường chứng khoán. Bởi khi đó, công ty phải tiếp nhận sự kiểm soát ngoại lai, tuyển dụng những giám đốc ngoài dòng họ, thực hiện các chính sách chia lợi cổ tức và các cổ đông đều có lợi. Sự phân quyền sở hữu và điều hành cũng khiến dòng họ dễ chấp nhận hơn.
Trước đây, nếu các lãnh đạo phải bảo đảm công ăn việc làm cho cả họ hàng thì chính sách mới này sẽ thay đổi thủ tục đó. Các cổ đông sẽ được hưởng lợi theo cổ phần và không cần thiết phải làm việc.
Các nhà quan sát cũng cho rằng thế hệ kế cận của hai anh em ông đều là những người trẻ có năng lực lãnh đạo tập đoàn. Còn đối với các dòng họ kinh doanh diễn ra tranh chấp nội bộ nghiêm trọng thì ắt hẳn có những người sẽ phải hi sinh.
Cuộc chiến giữa những bà vợ cũng như con cái họ thường khiến các lãnh đạo đau đầu. Một vấn đề khác đó là ngày càng nhiều người trẻ thuộc thế hệ thừa kế khi được đào tạo ở nước ngoài thì có quan điểm và định hướng khác với tầng lớp cha ông. Họ sẽ lãnh đạo những con rồng của Á châu. Thế nên nhiều người trong số đó sẽ phải chấp nhận hi sinh thiên kiến và những sở thích cá nhân để thống nhất sản nghiệp đồ sộ và phức tạp của dòng họ.
Tạ Linh (theo BBC)