Khi tiếp xúc với nhiệt, các loại vitamin dễ bị hư hỏng, biến đổi khiến cơ thể khó tiêu thụ. Các loại nước dùng, chất lỏng thêm vào thực phẩm cũng có thể làm hao hụt chất dinh dưỡng. Dầu và chất béo tác động xấu đến thực phẩm. Nghiên cứu của các chuyên gia Ấn Độ, đăng trên Thư viện Khoa học pubMed, phát hiện cá chiên ngập dầu có thể hao hụt tới 85% hàm lượng omega-3.
Tuy nhiên, nồi chiên không dầu làm chín thức ăn với nhiệt độ thấp hơn nhiều so với hầu hết kiểu nấu khác. Những hao hụt và tổn hại về hàm lượng dinh dưỡng chủ yếu xảy ra ở lớp ngoài thực phẩm. Bên trong, các chất dinh dưỡng vẫn được bảo toàn tốt.
Lý giải điều này, TS. BS Lynne Eldridge, Đại học Y Khoa Minnesota, cho biết nồi chiên không dầu chỉ tập trung vào việc đưa khí nóng ra bên ngoài thực phẩm. Ở nhiệt độ cao, lớp ngoài được làm chín, khiến nước, chất béo và dầu rỉ ra, rơi xuống đáy nồi. Tuy nhiên, phần nước phía trong thực phẩm vẫn giữ nguyên. Như vậy, lượng chất dinh dưỡng không mất đi quá nhiều.
Trong khi đó, với phương pháp chiên ngập dầu, thức ăn được ngâm trong chảo nóng một thời gian dài. Khi đó, dinh dưỡng thoát ra ngoài và ngấm vào chất lỏng nhiều hơn.
Ngoài ra, nồi chiên không dầu sử dụng nhiệt đối lưu, giữ lượng vitamin trong thực phẩm. Nghiên cứu năm 2018 đăng tải trên Thư Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy phương pháp chiên không dầu có thể đảm bảo một số chất dinh dưỡng trong quá trình nấu nước như vitamin C, hợp chất bảo vệ thực vật được gọi là polyphenol.
Thông thường, các phương pháp nấu chậm cũng khiến chất dinh dưỡng hao hụt vì các chất lỏng thoát ra ngoài. Tuy nhiên, lượng chất lỏng đó thường được sử dụng làm nước dùng. Vì vậy, hầm hoặc nấu chậm vẫn là phương pháp nấu ăn có lợi cho sức khỏe.
Dù có các lợi ích về sức khỏe, nồi chiên không dầu không phải biện pháp đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. Nó có thể tạo ra các hợp chất có hại khác như hydrocacbon và các amin dị vòng. Các hợp chất này cũng có thể gây ung thư, theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.
Nhiệt độ tiêu chuẩn để nấu một số món ăn trong nồi chiên không dầu có thể làm sản sinh chất oxy hóa cholesterol (COP), gây nên bệnh mạn tính.
Các chuyên gia đề xuất một số biện pháp để sử dụng nồi chiên không dầu hiệu quả và tốt cho sức khỏe. Đầu tiên, người dùng cần hạn chế lượng dầu sử dụng, chỉ cần quét một lớp mỏng lên thực phẩm. Dùng quá nhiều dầu có thể làm tăng hàm lượng calo, chất béo và gây ra khói, khiến thức ăn có mùi vị khó chịu, tạo ra các gốc tự do gây hại cho tế bào.
Chuyên gia cũng khuyến nghị không sử dụng dầu ăn dạng xịt, bởi chúng có khả năng làm hỏng lớp chống dính, giải phóng khí độc.
Dù nồi chiên không dầu là công cụ nấu ăn tiện dụng và hiệu quả, chuyên gia khuyến nghị kết hợp với các phương pháp khác như áp chảo, nấu chậm hoặc hấp. Điều này làm giảm tiếp xúc với các loại hóa chất, đa dạng hóa loại thực phẩm vào cơ thể.
Thục Linh (Theo Medical News Today, Family Guide Central)