Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh cấp cứu ngày 23/9. Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã phẫu thuật cắt lọc phần dập nát, nối lại ngón đứt rời, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân cơ và kết hợp xương ngón tay.
Sau hơn hai giờ phẫu thuật, bàn tay bệnh nhân phục hồi nguyên hình dáng, ngón tay hồng ấm trở lại.
Trước đó chỉ ít ngày, một cô gái 25 tuổi bị máy cơ khí cắt đứt rời ngón thứ ba của bàn tay phải, nhập viện. Bệnh nhân được kíp phẫu thuật nối thành công ngón tay, khâu các mạch máu và dây thần kinh dưới kính hiển vi.
Ngón tay của bệnh nhân tưới máu tốt, hồng ấm trở lại sau 5 giờ phẫu thuật. Đến nay, ngón tay cử động được nhẹ nhàng, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Năng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, trực tiếp phẫu thuật, nhận định đây là hai ca khá phức tạp.
"Cái khó và phức tạp của hai trường hợp này là mạch máu ở ngón tay quá nhỏ, đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ cao của phẫu thuật viên trong mọi thao tác. Chúng tôi sử dụng kính vi phẫu phóng đại phẫu trường, bộ dụng cụ vi phẫu để khâu nối các động, tĩnh mạch kích thước rất nhỏ chỉ khoảng một mm", bác sĩ cho biết.
Mức độ phục hồi của phần chi nối tùy thuộc vào tình trạng tổn thương, bảo quản và thời gian kể từ khi đứt rời đến lúc phẫu thuật nối. Theo bác sĩ, các trường hợp không may bị đứt chi thể, ngoài yêu cầu phải sơ cứu nhanh chóng, chính xác để ngăn mất máu, còn cần bảo tồn phần chi đứt lìa đúng cách và chuyển cùng nạn nhân vào bệnh viện để kịp thời phẫu thuật nối liền.
Cách bảo quản đúng là cho phần đứt rời vào túi nilon sạch, buộc kín lại, bọc trong miếng gạc, sau đó bỏ vào thùng nước đá ở nhiệt độ 4-5 độ C. Tránh để phần chi đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì có thể gây bỏng lạnh. Phần chi thể đứt lìa bảo quản đúng cách trong 6 giờ thì phẫu thuật nối lại tỷ lệ thành công cao, khả năng phục hồi các chức năng sau nối cũng tốt hơn.