Thứ tư, 27/11/2024
Thứ ba, 13/8/2024, 04:00 (GMT+7)

Nơi chăm sóc, cứu hộ động vật lớn nhất miền Trung

Quảng BìnhNhiều loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng đang được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) chăm sóc.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch) rộng 8 hecta, nằm giữa rừng, đang nuôi nhốt bán hoang dã 83 động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam như gà lôi trắng, culi nhỏ, hổ Đông Dương, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ...

Đa số động vật ở đây được người dân tự nguyện giao nộp, hoặc là tang vật trong các vụ án buôn bán trái phép. Từ lúc mới thành lập năm 2001, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã.

Khỉ đuôi lợn được tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch cuối tháng 6/2024. Con khỉ được một gia đình ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch mua về dự định nuôi. Song thấy việc nuôi nhốt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật nên gia đình đã tự nguyện bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch.

Khỉ đuôi lợn là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Để chăm sóc các loài động vật hoang dã, trung tâm đã bố trí 7 nhân viên thay phiên nhau. Khu nhà y tế, nhà ăn được xây dựng trong trung tâm.

Hàng ngày, chị Trần Lê và đồng nghiệp chuẩn bị thức ăn cho các loài. Mỗi loài có khẩu phần ăn riêng, cách chế biến cũng khác nhau.

Thức ăn sau khi được chế biến được chị Trần Lê và đồng nghiệp đưa đến từng chuồng. Hiện trung tâm chăm sóc 5 loài khỉ, trong đó có 7 khỉ mặt đỏ hay còn gọi là khỉ cộc, 16 khỉ vàng, 8 khỉ đuôi lợn, 4 khỉ mốc, 2 khỉ đuôi dài.

Chuồng trại nuôi nhốt khỉ vàng được làm bằng hàng rào B40, bên trong bố trí nhiều cây cho khỉ duy trì bản năng tự nhiên cũng như đảm bảo phúc lợi động vật. Nhiều năm chăm sóc đàn khỉ, chị Trần Lê nhận thấy ngoài trái cây, bí ngô là loại thức ăn khỉ vàng rất thích. Kể từ khi đưa về chăm sóc, khỉ mẹ đã sinh hai con.

Một năm trước, chim cổ rắn được trung tâm tiếp nhận từ một người dân. Loài này được xếp vào nhóm 1B trong Sách đỏ Việt Nam, phân loại động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Đàn gà lôi trắng được chăm sóc trong môi trường bán hoang dã, thức ăn là trái cây, lúa, ngô. Gà lôi trắng (tên khoa học là Lophura nycthemera) được xếp vào Sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, một số khu bảo tồn, vườn quốc gia Việt Nam nuôi thử nghiệm gà lôi trắng để tăng số lượng.

Ngoài các loài động vật nhỏ, trung tâm cũng đang nuôi nhốt, chăm sóc 7 con hổ Đông Dương. Sau hai năm, hổ con đã nặng hơn 150 kg mỗi con.

Từ đầu năm 2024, Trung tâm phối hợp tiếp nhiều động vật như: Rùa sa nhân, rùa đầu to, culi nhỏ, trăn đất, khỉ vàng do người dân tự nguyện giao nộp.

Ngoài công tác tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng cứu hộ, kiểm lâm giúp sức vào công tác bảo tồn, tái thả các loài động thực vật.

Hàng năm, trung tâm có các chương trình liên kết, phối hợp với tổ chức cứu hộ động vật trong và nước ngoài thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các loài. Trong ảnh là chuyên gia động vật nước ngoài hỗ trợ thăm khám loài chim hồng hoàng.

Lồng tập bay của 5 con chim hồng hoàng. Loài này tên khoa học là Buceros bicornis, thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim, sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tại Việt Nam, nhiều vùng vẫn còn chim hồng hoàng tự nhiên, nhưng nạn buôn bán trái phép khiến loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, cho biết định hướng phát triển du lịch 2026-2030 nơi đây sẽ như là công viên thú hoang dã nhằm vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa phát triển du lịch sinh thái và diễn giải môi trường. Các sản phẩm du lịch tiêu biểu có thể phát triển như dịch vụ tham quan học tập, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, các dịch vụ vui chơi, giải trí.

Võ Thạnh