![]() |
Ảnh: Pro.corbis.com. |
Thời trẻ, vì phải nuôi mẹ bệnh và 5 đứa em nên bà Tư gác hạnh phúc riêng. Đến khi các em lập gia đình hết, bà đã ngoài 50 tuổi. Thế nhưng, bà không sợ nỗi cô đơn bằng lời xì xào xung quanh: "Chắc kiếp trước ở ác nên kiếp này phải chịu tội".
Anh Cường, giáo viên, năm nay đã ngoài 40 tuổi mà vẫn độc thân. Anh sống với mẹ và một cô em gái sắp lập gia đình. Mỗi lần có dịp họp hành, những người trong trường hay vây lấy anh hỏi han, tra gạn. Lúc thì: "Sao, định để cảnh cha già con cọc hả?", khi lại: "Kén chọn cho lắm vào có khi lại cưới nhầm đấy". Có người còn đùa cợt: "Nghe lời tôi, uống các thứ cường dương nhiều vào, rồi sẽ có lúc đòi lấy vợ ngay ấy chứ"... Mỗi người một câu như thế làm anh rất khó chịu. Khi có người bạn thân hỏi sao dạo này ít thấy anh đi chơi chung với mọi người, anh tâm sự: "Mỗi lần đến đám đông và nghe những lời hỏi han về chuyện hôn nhân, mình lại cảm thấy bực bội, mất tự tin và càng lúc càng sợ mình sẽ thiếu kiềm chế...".
Thật ra, anh Cường cũng có một mối tình sâu sắc nhưng không tiến đến hôn nhân được. Người yêu anh là một phụ nữ góa chồng, có con nhỏ. Chính vì vậy, hơn 10 năm nay, mẹ kiên quyết không cho anh lấy cô làm vợ. Thấy mẹ khóc lóc, đòi tự tử, anh buộc lòng chờ đợi, mong bà thay đổi. Mang nỗi buồn và sự bế tắc như vậy nên mỗi khi ai đó hỏi tại sao không lấy vợ, anh chỉ biết trả lời một cách buông xuôi: "Chưa gặp được người vừa ý".
Cùng cảnh cô đơn nhưng chị Lưu lại có nỗi đau khác. Năm 25 tuổi, chị phải mổ tử cung vì một khối u. Chỉ là u lành thôi nhưng từ đó, người yêu xa lánh vì cho là chị khó có thể làm mẹ, làm vợ bình thường. Áp lực vì quan niệm "nối dõi tông đường" càng đẩy họ xa nhau. Đến nay, dù nhan sắc vẫn còn nhưng chị phải lẻ bóng. "Cũng có người đến với mình nhưng dường như chẳng ai thật lòng muốn tiến tới hôn nhân. Tôi chỉ còn biết chấp nhận số phận hẩm hiu của mình thôi", chị Lưu giãi bày.
Ai cũng biết những điều tốt do hôn nhân mang lại như giảm stress, kéo dài tuổi thọ, điều hòa tính khí và sự tự chủ. Những người sống độc thân càng hiểu rõ điều này. Hơn ai hết, họ nếm trải cảm giác cô đơn thường xuyên nhất. Họ cũng khao khát một lời hỏi han, ly nước mát, bữa cơm chiều nóng hổi... từ người bạn đời, song không có được. Thế nhưng, nhiều người, nhất là ở các vùng quê, lại nhìn họ bằng ánh mắt dè bỉu, thậm chí coi đó là một thứ "tội nợ" phải trả, là ác giả ác báo từ kiếp trước.
Như trường hợp của bà Tư chẳng hạn. Tuy đã ngoài năm mươi tuổi nhưng bà Tư vẫn mang nét đẹp mặn mà thời son trẻ. Khi còn con gái, nhiều người đến hỏi làm vợ nhưng Tư nhìn lại gia cảnh của mình: mẹ già bị bệnh tim nặng, 5 em còn đi học nên không nỡ bỏ gánh nặng để tìm hạnh phúc riêng. Bà lần lữa mãi đến khi thảnh thơi một chút thì cơ hội đã vuột xa tầm tay. Những người em lần lượt thành đạt và lập gia đình, nhưng tuổi xuân của bà không còn nữa. "Tôi chẳng trách ai. Đó là số phận. Có điều, mọi người lại xì xầm, bảo chắc kiếp trước bà ấy ở ác nên bây giờ phải nhận lấy hậu quả làm tôi buồn lắm", bà tâm sự.
Đôi khi, sự quan tâm thái quá của dư luận vô tình gây nên nỗi đau cho người sống độc thân, đặc biệt là những phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm và dễ tủi thân. Có người thích soi mói vào nỗi đau của họ, thậm chí vô tư chọc ghẹo, coi đó làm trò đùa.
Đằng sau cuộc sống độc thân có thể là những nỗi niềm thầm kín, một vết thương lòng khó hàn gắn hay những giọt nước mắt âm thầm mà người ngoài cuộc khó thấu hiểu. Bởi thế, cần có những sự quan tâm, chia sẻ thật lòng và đừng quá phân biệt họ với những người khác, đẩy họ vào cuộc sống khép kín, không còn muốn giao tiếp với xã hội. Một lối sống bất cần hoặc quá trầm cảm, u uất rất dễ đến với những người này.
(Theo Thế Giới Mới)