Sau trận đấu, HLV Indra Sjafri (Indonesia) tiến đến bắt tay và có vẻ như định nói đôi lời về diễn biến với HLV Park Hang-seo. Nhưng chiến lược gia của Việt Nam nhanh chóng quay đi với gương mặt không mấy dễ chịu, dù đội nhà vừa giành thắng lợi kịch tính. Màn trình diễn này có thể xem là bước lùi đáng kể so với U23 của Việt Nam năm 2018 dù trong đội hình hôm qua còn tới sáu thành viên từng thi đấu ở vòng chung kết U23 châu Á.
Ở Thường Châu năm ngoái, khi Đoàn Văn Hậu chấn thương, ngay lập tức Phạm Xuân Mạnh thế vai để chơi toàn bộ các trận đấu ở vòng knock-out. Kế tiếp là trường hợp từ dự bị tiến lên làm trụ cột của Phan Văn Đức. Những sự thay người để chuyển trạng thái thi đấu được xem như "đặc sản" của HLV Park Hang-seo, đơn giản vì ông có nhiều con bài trong tay áo.
Hôm qua, nhà cầm quân người Hàn Quốc không có nhiều con bài như thế. Ông chỉ cần Trần Đình Trọng xuất hiện, để lập tức biến hàng thủ vốn đang xộc xệch lập tức vững chãi. Nhưng ở phía trên, HLV Park phải thay đến hai lần cho một vị trí (đưa Thanh Bình vào cuối hiệp một và rút cầu thủ này ra nửa cuối hiệp hai), nhưng đội nhà hầu như không thay đổi tích cực trong cách thức tiếp cận khung thành Indonesia.
Thông thường, một trong ba lần thay người của HLV Park Hang-seo phải để dành cho khu trung tuyến - nơi Việt Nam không nắm quyền kiểm soát trước lối đá giàu cơ bắp và pressing quyết liệt của đối thủ. Nhưng, cuối cùng, giải pháp của ông là kéo Quang Hải xuống thấp, để điều tiết lại các pha phối hợp cũng như hút người tạo khoảng trống cho những cầu thủ tấn công ở phía trên. Sự điều chỉnh này thực ra cũng không đem lại hiệu quả về thế trận. Các tình huống nguy hiểm của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những pha cố định, với các quả đá phạt của Quang Hải, và cả bàn thắng quý như vàng ở phút bù giờ của Triệu Việt Hưng.
Ông Park nói sau trận đấu rằng với quỹ thời gian tập trung ngắn, chỉ có một tuần để ráp nối đội hình, nên chưa thể truyền tải hết triết lý đến các cầu thủ. Nhưng dù có thêm thời gian, những rắc rối mà ông đối diện vẫn không đơn giản để giải quyết, bởi nó liên quan đến yếu tố con người. Chỉ qua hai trận, có thể thấy tần xuất phạm lỗi, rủi ro nhận thẻ của đội U23 hiện nay cao hơn rất nhiều lần so với lứa 2018, đó là do nền tảng về đào tạo. Các cầu thủ đang đá ở hàng phòng ngự như thủ môn Tiến Dũng, hậu vệ Tấn Sinh, Thành Chung... thực tế đã có thâm niên "ăn cơm tuyển", nhưng bản thân họ cho thấy sự tiến bộ rất ít vậy mà vẫn không có ai để thay thế.
Đội hình Việt Nam hôm qua còn là hiện thân cho một mâu thuẫn lớn. Đó là sự kết hợp giữa những cầu thủ thường xuyên thi đấu đến mức quá tải với số còn lại hầu như không hề chơi bóng suốt sáu tháng qua. Giải hạng Nhất, nơi các cầu thủ đến từ Viettel, Hồng Lĩnh, Huế... thi đấu, đã nghỉ suốt từ tháng 9/2018 đến nay. Trong khi đó, V-League 2019 mới đá ba vòng, sau quãng nghỉ dài từ tháng 10/2018. Nghĩa là nhiều cầu thủ không có cảm giác bóng đỉnh cao, trong khi Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh có thể rơi vào trạng thái "ngán bóng" bởi chinh chiến suốt từ vòng chung kết U23 châu Á đến Asiad, AFF Cup và Asian Cup.
Ông Park vì thế bị đặt vào trong một bài toán rất khó. Ở lần tập trung này, ông chỉ có thể điền tên sáu tiền vệ, trong đó Bùi Tiến Dụng (Đà Nẵng) là người khả dĩ nhất về khả năng tranh chấp bóng ở giữa sân. Ba trong sáu tiền vệ đến từ HAGL, đội có thiên hướng tấn công. Nếu ở đội tuyển quốc gia, ông vẫn còn loay hoay với các thử nghiệm bộ đôi tiền vệ trung tâm, thì ở đội U23 hiện nay, ông hầu như chẳng có cầu thủ nào để tin tưởng, chứ chưa nói tới thử nghiệm hay xoay tua. Hệ quả là Việt Nam đánh chặn, thu hồi bóng còn chưa xong, làm sao nghĩ đến chuyển trạng thái hay phát động bóng dài phản công?
Trong bóng đá, khi gặp khó khăn, HLV phải đổi chiến thuật. Nhưng muốn thay đổi có tác dụng ngay, HLV phải có con người đủ tốt, nắm bắt được ý đồ của mình. Nhưng khi cần thay người, ông Park sẽ ngoảnh lại phía sau và thấy toàn những cầu thủ mới - những người mà ông chưa thể hiểu rõ vì đa số chỉ ngồi dự bị hoặc không thi đấu tại CLB của mình.
Song Việt