Chiều muộn gần Tết, anh Lê Thanh Bình, 37 tuổi, trong bộ đồ công nhân tay đảo nhanh mớ rau trên chiếc chảo sôi dầu trong căn phòng trọ rộng 12 m2, cách khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) chừng 500 m. Sau lưng là vợ anh - chị Nguyễn Thị Hường, 33 tuổi ngồi bệt xuống nền nhà tắm cho con gái 4 tuổi. Tết này vợ chồng quyết định ở lại thành phố để tiết kiệm chi phí, lo cho con gái và con trai đầu 8 tuổi đang ở quê Quảng Bình cùng ông bà nội.
"Buồn lắm nhưng biết sao được, vì tiền đâu mà về", chị Hường giọng chùng xuống. Năm qua, vợ chồng gặp nhiều khó khăn khi công ty giày da hai người đang làm bị cắt bớt đơn hàng khiến lao động các bộ phận có tới 5 tháng bị giảm việc, mỗi tuần chỉ làm 3 ngày. Các khoản thu nhập từ đó bị giảm, chị Hường phải nhận giúp đỡ từ gia đình ở quê là những bao gạo nặng hơn 50 kg, bên trong có thêm cá khô, tôm khô, đậu phộng..., giúp vợ chồng gắng gượng đến bây giờ.
Thời gian làm việc ít đi, thu nhập còn phân nửa, anh Bình viết đơn xin nghỉ việc. Trong thời gian chờ chấp thuận, ngày nghỉ anh đến các công trường xây dựng xin làm phụ hồ mức lương 350.000 đồng mỗi ngày. Muốn phụ giúp chồng, chị Hường lấy chiếc xe đạp cũ, xin làm thêm ở khu chợ nông sản Thủ Đức cách chỗ trọ chừng 2 km với tiền công 150.000 đồng, làm trong 8 tiếng. Nhưng mới làm được ba ngày, chị bị thay thế bởi người khác vì không thể làm liên tục do phải đảm bảo công việc ở công ty.
Hai vợ chồng mất việc, chỉ biết trông chờ vảo khoản trợ cấp 4 triệu đồng mỗi tháng để giữ chân lao động. Trong khi đó mỗi tháng vợ chồng phải tốn chi phí gửi con nhỏ ở nhà trẻ 1,2 triệu đồng, tương đương tiền đóng phòng trọ, tiền gửi về quê nuôi con trai. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng anh chỉ còn cách giảm phần ăn của mình, còn cô con gái hàng tháng vẫn được duy trì thùng sữa.
"Ngoài quê khó khăn nhưng dù sao đỡ tốn chi phí hơn. Ông bà nội còn khỏe nên không đòi hỏi mình gửi tiền ăn uống, năm qua mình chỉ lo tiền học cho con", chị Hường kể và nói rằng hai vợ chồng cố gắng gom góp tiền thưởng Tết tầm hơn 10 triệu, vay mượn thêm sửa lại ngôi nhà ở quê rồi về hẳn ổn định cuộc sống.
Xóm trọ 16 phòng nơi vợ chồng anh Bình năm nay có tới 14 phòng ở lại ăn Tết. Một vài nhà đã dọn lại phòng, tự mưa sơn quét bên ngoài cho phòng trọ sáng sủa hơn. "Chỉ mong năm Covid-19 sẽ qua nhanh, năm mới sẽ không còn thấp thỏm việc làm, giảm ca", anh Bình nói và kể 2 tháng nay anh được tăng ca nhiều hơn, mỗi tháng kiếm thêm hơn một triệu đồng để có cái Tết ấm cúng bên gia đình.
Cùng quê miền Trung, chị Trần Thị Hoa (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã 7 năm làm công nhân công ty giày da ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Khi chị khoác lên mình bộ áo công nhân cũng là lúc phải gánh trên vai trách nhiệm gia đình do người cha ngoài 70 tuổi, bị tai biến 10 năm nay. Người mẹ cũng bị chứng cao huyết áp, hàng ngày chỉ biết trông vào đàn gà mười mấy con, hai con lợn và vài luống rau quanh nhà.
Dịch bệnh quét qua, công ty cắt giảm giờ làm, thu nhập chị theo đó cũng giảm còn hơn 3 triệu đồng. Vợ chồng chị vừa kết hôn năm ngoái, ở với nhau chưa đầy nửa tháng là anh lại theo những chuyến xe khách ngược xuôi với nghề lơ xe, thu nhập không ổn định. Covid-19 khiến anh trở thành người thất nghiệp. Khoản thu nhập ít ỏi của chị là nguồn sống của bốn con người.
Khi dịch bớt căng thẳng, chưa kịp vui mừng vì hoạt động sản xuất công ty dần khôi phục, số ngày tăng ca nhiều lên thì chị Hoa đón tin dữ. Tháng 10 năm ngoái, bão Molave càn quét vùng quê miền biển Bình Định. Căn nhà lợp mái tôn cũ của gia đình bị gió cuốn phăng, cây cối ngã đổ la liệt. Gia đình chị sống trong cảnh "màn trời chiếu đất" suốt 3 ngày. Từ Sài Gòn, chị gọi hơn chục cuộc điện thoại vay mượn người thân, nhờ người mua tôn lợp lại căn nhà cũ.
"Trước đây mỗi tháng mình gửi về cha mẹ 2-3 triệu đồng, nhưng dịch bệnh nên mỗi tháng cố gửi một triệu đồng cho ông bà thuốc thang", chị kể về giai đoạn khó khăn mà chưa bao giờ gặp phải. Tết này dù thuộc diện được tặng vé tàu về quê nhưng chị Hoa nhường cho người khác ở xa hơn mình. Hai vợ chồng chị ở lại ăn Tết trong căn phòng trọ rộng 9 m2 ở ấp 2, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh) để tiết kiệm và dành dụm trả nợ.
Gia đình anh Bình, chị Hoa là hai trong số rất nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn do Covid-19 ở thành phố. Theo ban quản lý Khu công nghiệp, chế xuất TP HCM (Hepza), năm qua 1.560 doanh nghiệp cắt giảm gần 15.000 lao động do không có đơn hàng, đóng cửa nhà máy. Tết Nguyên đán năm nay, hơn 70%, tức 193.000 công nhân không về quê ăn Tết. Mức thưởng Tết bình quân của các doanh nghiệp giảm khoảng một triệu đồng so với năm ngoái. 133 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn trong thưởng Tết, 5 doanh nghiệp không thưởng...
Theo ông Huỳnh Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Hepza, lượng công nhân không về quê ăn Tết năm nay tăng khoảng 20% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là dịch bệnh, họ bị dừng việc, hoãn việc nên không đủ chi phí về quê. Mặt khác, năm 2020 thiên tai xảy ra nặng nề ở miền Trung, nhiều người dự định ở lại làm thêm dịp Tết kiếm thêm thu nhập.
Để hỗ trợ công nhân, Hepza tổ chức 15.200 suất quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không về quê ăn Tết. UBND các quận huyên phối hợp liên đoàn lao động địa phương và hơn 700 doanh nghiệp tổ chức các hoạt động như lì xì, đón giao thừa, nấu bánh chưng, trang trí cành đào... cho các khu trọ, xóm công nhân.
Phía Liên đoàn lao động TP HCM đã tổ chức tặng hơn 420.000 suất quà Tết, tổng chi phí 194 tỷ đồng, cho công nhân, người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.... Hơn 1.000 đoàn viên các nghiệp đoàn hoàn cảnh khó khăn được tặng quà gồm 200.000 đồng tiền mặt và một triệu đồng hiện vật.
Người lao động ở quận Bình Tân, Nhà Bè, Phú Nhuận, 12, Hepza... ở lại thành phồ ăn Tết được hỗ trợ phần quà 1,5 triệu đồng gồm một triệu đồng tiền mặt, quà 500.000 đồng, con em người lao động được lì xì 100.000 đồng...
Hà An