Đây là cơ hội lên màn bạc đến gần nhất với Nỗi buồn chiến tranh - cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 và được dịch, xuất bản tại rất nhiều quốc gia trên thế giới - dù trước đây, tác phẩm đã lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn trong nước như Hải Ninh, Khánh Dư. Vấp phải nhiều trở ngại khác nhau, các nhà làm phim trong nước đành bỏ dở dự án chuyển thể cuốn sách thành phim. Hơn 15 năm sau khi xuất bản, Nỗi buồn chiến tranh vẫn chưa được điện ảnh khai thác, dù tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết đương đại hay nhất, một sự tái hiện xuất sắc về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ.
![]() |
Bản tiếng Anh cuốn Nỗi buồn chiến tranh. |
Hiện tại, kịch bản phim, do nhà biên kịch Peter Himmelstein chuyển thể, đã được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Việt Nam duyệt và cấp phép. Nếu không có gì thay đổi, quá trình casting và bấm máy bộ phim sẽ diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, khi được hỏi về dự án này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh VN - vẫn rất thận trọng: "Đầu tháng 8, giám đốc sản xuất và đạo diễn phía Mỹ sẽ sang Việt Nam bàn bạc cụ thể về các kế hoạch. Đến lúc đó, mọi việc mới rõ ràng. Lúc này, tôi chưa thể tiết lộ gì nhiều".
Dù đã được đọc và tham gia vào quá trình sửa chữa kịch bản, nhưng nhà văn Bảo Ninh cũng rất dè dặt và kiệm lời khi nói về cơ hội mới dành cho đứa con tinh thần của mình: "Nói chung, kịch bản chuyển thể khá trung thành với nội dung tiểu thuyết. Tôi chỉ chỉnh sửa đôi chút để lời thoại trở nên đời thường, gần với ngôn ngữ nói, gần với kiểu nói năng của con người trong chiến tranh hơn. Bộ phim thành công hay không còn tùy thuộc vào tài năng đạo diễn và diễn xuất của diễn viên. Tôi không am hiểu về điện ảnh nên không dám lạm bàn. Nhưng vì cuốn sách có cấu trúc rất phức tạp, đảo lộn về thời gian, đan xen nhiều hồi ức, nên nó sẽ là một thử thách cho nhà làm phim".
Nhà văn cho biết, sở dĩ sau 10 năm "dòm ngó", Nicolas Simon mới có được bản quyền cuốn sách vì ông cùng êkíp phải sửa đi sửa lại nhiều lần kịch bản theo góp ý của Bảo Ninh cũng như để thuận lợi hơn trong việc xin cấp phép. "Tôi nửa chữ tiếng Anh không biết. Simon lại không biết tiếng Việt. Mỗi lần trao đổi, chúng tôi lại phải thông qua phiên dịch. Kịch bản mỗi lần sửa chữa cũng phải dịch đi dịch lại rất nhiều. Vì thế, quá trình trao đổi bản quyền mới kéo dài như vậy", ông nói.
![]() |
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Các nhân vật trong phim sẽ sử dụng tiếng Việt, có phụ đề tiếng Anh, vì vậy, diễn viên sẽ do người Việt đảm nhận. Tác phẩm cũng sẽ được quay tại Việt Nam. Theo đó, đây sẽ là một bộ phim mang tính chất hợp tác, trong đó, kinh phí và êkíp chủ đạo sẽ do người nước ngoài đảm nhận. Nhân chuyện của Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh giãi bày: "Theo tôi, chiến tranh là một đề tài rất hay cho điện ảnh VN. Nhưng cái khó của phim về chiến tranh bây giờ là các đạo diễn còn khá trẻ, không có trải nghiệm. Hơn nữa, chúng ta hơi hạn hẹp về kinh phí để có thể thực hiện những cảnh quay đúng như ý muốn". Khi được hỏi, liệu ông có cảm thấy lo lắng vì khi chuyển thể, ngôn ngữ điện ảnh có độ vênh nhất định so với ngôn ngữ văn chương, nhà văn trả lời: "Đúng là xưa nay, các nhà văn vẫn thường cáu khi sách của mình được chuyển thể. Nhưng phim phải khác với truyện. Không khác thì làm phim làm gì. Chỉ có điều, về ngôn ngữ thoại, nhân vật trong phim phải có cách ăn nói khác với nhân vật trong sách".
Mới đây, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh cũng lọt vào top 50 tác phẩm văn học nước ngoài dịch sang tiếng Anh hay nhất trong nửa thế kỷ qua. Ở vị trí thứ 37, cuốn sách được đứng chung với những kiệt tác lớn của thế giới như Cái trống thiếc (Günter Grass), Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgakov), Chiến tranh và Hòa bình (Leo Tolstoy), Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez)... Vốn đã quen với cả niềm vui lẫn nỗi buồn do cuốn sách mang đến, Bảo Ninh tỏ ra khá điềm tĩnh: "Ở nước ngoài hay có chuyện một tổ chức cá nhân nào đó đứng ra bình chọn top này top nọ. Nếu thế thì cũng chẳng biết họ căn cứ vào tiêu chí nào để vui hay buồn, dù tôi có được bạn bè thông báo về tin này". Khi được biết, đây là cuộc bình chọn do Hiệp hội Dịch giả (thuộc Hội nhà văn Anh) thực hiện, ông nói tiếp: "Thế thì tôi cũng mừng cho cuốn sách".
Bảo Ninh nói, cứ như Nỗi buồn chiến tranh là một sinh thể riêng, có cuộc sống riêng, độc lập với cuộc sống của ông.
Nỗi buồn chiến tranh xuất bản năm 1990 với tên gọi Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh là tên do tác giả đặt). Năm 1991, cuốn sách là một trong ba tác phẩm được giải văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi được trao giải, sách trở thành tâm điểm chia rẽ dư luận và giới phê bình trong nước vì những trang viết trực diện, vừa hào hùng vừa bi thảm và đầy tranh cãi về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Truyện kể về cuộc đời Kiên - một người lính trinh sát - trong cả chiến tranh và thời bình. Xuất phát từ hiện tại, cuốn tiểu thuyết lần theo dòng hồi ức miên man của Kiên về những năm tháng chiến đấu ác liệt, giàu tình yêu, tình người nhưng cũng la liệt đau thương, mất mát… Năm 1993, cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Anh và xuất bản ở Australia với tựa đề The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh). Trong những lần tái bản ở Việt Nam, tác phẩm được trở lại với tên gọi đầu tiên - Nỗi buồn chiến tranh. Đến nay, sách đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới và được coi là một trong những tiểu thuyết đương đại Việt Nam được dịch nhiều nhất. |
Lưu Hà