Chụp ảnh cưới là ngành kinh doanh phát đạt ở Trung Quốc, nơi các cặp uyên ương thường tới công viên, chùa chiền và di tích lịch sử tạo dáng chụp ảnh để ghi lại kỷ niệm về mối quan hệ tưởng chừng không thể tan vỡ.
Nhưng ở một đất nước mỗi năm có hàng triệu vụ ly hôn, nhiều tấm ảnh cưới cuối cùng bị vứt lên gác mái hoặc thùng rác. Công ty của Liu đưa ra giải pháp thay thế là biến chúng thành nhiên liệu tạo ra điện năng.
"Chúng tôi nhận thấy tiêu hủy đồ đạc cá nhân là ngành có tiềm năng phát triển ở Trung Quốc nhưng chưa ai làm", người đàn ông 42 tuổi nói trong nhà máy cách Bắc Kinh 120 km. "Những người ít kinh nghiệm trên thị trường có lẽ không nắm bắt được cơ hội này".
Bất chấp kiêng kỵ không tiêu hủy ảnh của người còn sống, cơ sở của Liu nhận được 5-10 đơn đặt hàng mỗi ngày khắp Trung Quốc. Các vật phẩm được yêu cầu tiêu hủy gồm ảnh treo tường cỡ lớn, ảnh trang trí nhỏ, album ảnh cưới, chủ yếu làm từ nhựa, acrylic và thủy tinh.
Công nhân chất ảnh lên xe nâng, rải xuống sàn nhà kho để phân loại. Sau đó, họ lấy sơn tối màu xịt kín mặt những người trên ảnh để bảo vệ riêng tư cho khách hàng.
"Những người gửi ảnh cưới đến đây tiêu hủy đang cố tìm cách khép lại một mối quan hệ và giải nút thắt trong lòng", Liu nói.
Những tấm ảnh được gửi đến cho thấy khoảnh khắc hạnh phúc của các đôi uyên ương trước khi hôn nhân tan vỡ. Trong một tấm, người phụ nữ mặc váy cô dâu màu trắng, nằm trên giường trải đầy hoa; một tấm ảnh khác cho thấy đôi nam nữ đang nhìn vào mắt nhau say đắm. Một đôi mặc đồ thể thao tạo dáng cùng quả bóng đá, trong khi một người đàn ông áp mặt vào bụng bầu của vợ một cách dịu dàng.
Liu dùng điện thoại quay lại bức ảnh đã bị phun sơn che mặt và gửi clip cho khách hàng để xác nhận lần cuối. Anh cho hay đã phục vụ 1.100 khách, chủ yếu dưới 45 tuổi và khoảng 2/3 là phụ nữ, từ khi bắt đầu dịch vụ này một năm trước. Các khách hàng ít nói về lý do chia tay, một số người từ chối trả lời phỏng vấn.
Liu cho hay động cơ tiêu hủy ảnh cưới rất phức tạp. "Rất ít người làm việc này vì căm ghét người cũ", anh nói. "Có thể những bức ảnh gợi lại suy nghĩ hay cảm xúc nào đó, hoặc trở thành trở ngại mà họ khó vượt qua".
Một số khách hàng tới tham gia lễ tiêu hủy để cảm nhận một chương cuộc đời đã khép lại. Có người giữ lại ảnh cưới suốt nhiều năm và chỉ vứt bỏ khi tái hôn hoặc chấp nhận sự thật bạn đời đã chết.
Việc gửi video xác nhận là cách Liu trao cho khách hàng cơ hội cuối cùng để giữ lại món đồ trong trường hợp họ hối hận về quyết định đã đưa ra. Nếu khách hàng không đổi ý, anh tiếp tục quay cảnh nhân viên đẩy ảnh cưới vào máy hủy tài liệu. Rác được đưa tới một nhà máy nhiên liệu sinh học gần đó, xử lý cùng rác thải sinh hoạt để phát điện.
Tỷ lệ ly hôn tăng vọt ở Trung Quốc sau khi luật hôn nhân và gia đình được nới lỏng năm 2003. Tỷ lệ này giảm đáng kể từ năm 2021, khi chính phủ thi hành luật quy định thời gian hòa giải trước khi ly hôn là một tháng. Trung Quốc ghi nhận 2,9 triệu ca ly hôn năm 2022, giảm so với 4,3 triệu ca hai năm trước.
Số ca đăng ký kết hôn năm ngoái lần đầu tiên tăng sau gần 10 năm, khiến giới chức kỳ vọng đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh.
Sau khi tiêu hủy hàng nghìn tấm ảnh cưới, Liu cho hay đã không còn xúc động với những cuộc hôn nhân tan vỡ như những ngày đầu. "Cảm nhận sâu sắc nhất mà tôi có sau thời gian làm công việc này là phải tôn trọng lựa chọn của người khác", anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)