Bà hỏi Tết năm nay có về quê ăn Tết không? Cháu ậm ừ xót xa. Bà lặng im. Cháu nhìn ra ngoài trời những chiếc lá vàng liệng bay theo làn gió. Các chú các cô bảo bà già rồi cố mà về. Định trả lời vâng nhưng rồi công việc và những mối quan hệ giằng xé níu giữ. Cháu vẫn không biết sắp xếp thế nào giữa bộn bề công việc và sự ấm áp của một cái Tết đoàn viên.
Có những lúc khoảng cách là có thật để cháu biết mình xa quê quá. Nhiều lúc cũng ước giá như bố mẹ cháu không lấy nhau xa khi một người ở hai tỉnh thành ở cách quá xa nhau. Thế nên cháu chỉ được chọn hai dịp trong một năm để trở về quê là dịp cúng ông và ngày Tết. Nhiều lúc giá như dư dả một chút để mỗi lần về không phải bố trí sắp xếp, gạt hết gánh nặng cơm áo không lo nghĩ, đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng cơm áo không đùa với khách thơ, cháu vẫn mải miết truân chuyên mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bố mẹ cháu chia tay, quê nội lại xa thêm chút nữa. Những mâu thuẫn hoài nghi đẩy câu chuyện đi theo những lề lối khác. Tóc bà lại thêm nhiều sợi bạc. Tiếng ho giữa mùa lạnh làm cho đêm chìm vào sâu hơn. Dù cháu không nói gì, các chú giấu biệt nhưng câu chuyện quá lớn để nó ngủ yên ở một nơi nào đó. Và bà thở dài bất lực. Bà đã cố giữ cho gia đình ta được đoàn kết, yêu thương nhưng trước những giằng xé cuộc sống, lối rẽ cuộc đời sợi dây đó trở nên mỏng mảnh hơn bao giờ hết.
"Mỗi mùa xuân sang bà tôi lại thêm một tuổi. mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa bà càng gần", mỗi câu hát làm cháu cảm thấy lo sợ. Cháu sợ lắm bà ah! Sợ một mùa xuân nào đó…sợ một ngày nào đó… Cháu có bao nhiêu tiền cũng không níu giữ được thời gian. Xã hội càng sản xuất ra nhiều tiền thì tình cảm trong lòng người dường như vơi đi nhiều lắm. Người không còn thương người lặn lội với áo cơm. Người lừa người để sống đời hưởng thụ. Người nhìn người nghi kị. Người bảo phú quý sinh lễ nghĩa. Người bảo, còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết rượi hết ông tôi. Thế nên bà già rồi bất lực hay cuộc sống đồng tiền làm người bất lực. Để nỗi buồn sẽ nhói rất sâu nếu vô tình một cái tên được nhắc đến. Một câu chuyện được gợi ra. Nhiều lúc, cháu ước giá như một nút delete có thể xóa hết lo nghĩ trên gương mặt đồi mối với những đường nhăn, để bà mãi cười với làn môi đỏ, hàm răng nhưng những hạt na.
Vẫn 29 tập trung thịt lợn, chia thịt làm bánh còn đánh tiết canh, nhồi lòng hả bà? Vẫn tối giao thừa cả 11 gia đình con cháu tập trung nhà bà bắn pháo giao thừa, ăn kẹo, chúc nhau và lì xì cho các cháu rồi rồng rắn kéo nhau đi từng nhà chúc Tết. Vẫn sáng mùng một lại tiếp tục tập trung nhà bà rồi tiếp tục đi chúc Tết từng nhà chú, nhà cô. Vẫn những bữa cơm có rượu nếp cái hoa vàng ngọt lử, gà đồi vàng ruộm vừa dai vừa thơm, khoang bánh chưng xanh mướt lá rong rừng, không thể thiếu là đĩa hành muối trắng muốt ăn vào vừa giòn vừa ngọt. Và những bức ảnh thu lại nét cười của một năm cầu may mắn. Những nếp nhăn thêm trên nét cười không tuổi hay những em bé năm nào lớn vổng lên rạng rỡ đón một cái Tết nhiều hứng khởi.
Chùa Hang Tết này, người có còn xem hội? Tết này, người có về để cầu may? Người có còn cười nắc nẻ ném tên trúng đồ thưởng? Người có về để cùng các chú các em đánh bóng đánh cầu? Người có còn leo núi đầu xuân? Người có còn buâng quơ chạy khắp cánh đồng cỏ dại? Người có còn rùng mình chân trần lội suối? Người có còn… người có còn… Người không còn nữa phải không em? Tất cả đã xa quá rồi. Cô bé năm nào lạ lẫm với tất cả, ngây thơ với tất cả. Cô bé năm nào chỉ có tấm lòng trong để bước vào đời. Cô bé năm nào ngỡ như mình là vẹn tròn hạnh phúc.
Cháu sẽ về bà ạ! Cháu sẽ về được không? Dù mùa xuân đã ở vào một thời khắc khác. Dù cái Tết này có thể sẽ không nhiều ấm áp như những Tết xuân qua. Nhưng bà vẫn ở đó đủ để làm ấm lòng tất cả, đủ để là bức tường chắn gió mùa cuối đông. Đủ để hút tất cả những tâm tình còn băng kín. Đủ cho một gia đình đoàn kết lại. Sau cơn mưa trời lại sáng và những ngày đầu xuân năm mới, những bữa cơm đoàn viên mong rằng có thể xóa nhòa những ranh giới, khoảng cách, hiểu lầm đã có một năm qua. Những bữa cơm ta nhận ra chúng ta là một gia đình thực sự.
Cù Thị Thương
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |