Mỗi ngày, sau khi tập thể dục buổi sáng, ông Zhao, 73 tuổi, lại lấy cớ tách nhóm bạn già để đi bộ gần 3 km đến thăm mộ con trai. Người đàn ông ở Bắc Kinh này kể, con ông qua đời khi 39 tuổi, vào năm 2014, vì bệnh máu. Kể từ đó, ông và vợ, tên Hong, nuôi cháu trai vì con dâu họ đã bỏ đi sau khi ly hôn nhiều năm trước.
Ông Zhao không kể cho ai trong gia đình biết những lần đến mộ con của mình. "Vợ tôi rất dễ buồn. Bà ấy sẽ nổi điên nếu biết tôi đi thăm con một mình. Nhưng nếu đưa đi cùng thì có lẽ tới vài ngày sau bà ấy vẫn chẳng thể bình tĩnh lại được", ông nói.
Cái chết của con trai vẫn là chủ đề đau thương trong gia đình 3 người của ông. Họ tránh nói chuyện này với mọi người xung quanh vì không muốn nghe những câu chia buồn và cả lời bàn tán từ bạn bè, đồng nghiệp. Ngay cả trong nhà mình, họ cũng tránh nói về con trai cũng như sự vắng mặt của anh. Ông Zhao cho biết, dù luôn nhắc mình phải cẩn trọng trong lời nói nhưng cũng vài lần ông vẫn vô tình gọi cháu trai 16 tuổi bằng tên con. Ông Zhao và bà Hong nói rằng họ cảm thấy kiệt sức khi nuôi dạy cậu nhóc tuổi teen càng ngày càng thu mình lại này.
Nhưng nỗi lo lớn hơn của đôi vợ chồng già là tương lai bấp bênh của họ. "Tôi không biết mình có thể dựa vào cháu trai khi già yếu không", ông Zhao nói. "Tôi sẽ 80 tuổi khi thằng bé tốt nghiệp đại học. Bố nó không còn, tôi cảm thấy tuyệt vọng lắm".
Cũng như nhiều gia đình khác, do chính sách một con Trung Quốc áp dụng từ năm 1978, vợ chồng ông Zhao chỉ có một người con duy nhất. Mặc dù luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình nước này sửa đổi năm 2016 cho phép mỗi đôi có hai con, ông Zhao và bà Hong nói rằng giờ họ đã quá già để tận dụng được chính sách mới. Họ là một "shidu family" - từ để chỉ những đôi đã mất đứa con duy nhất và không thể có con thứ hai do tuổi tác hay vấn đề về sức khỏe. Theo thống kê năm 2010, Trung Quốc có khoảng 660.000 gia đình kiểu này.
"Tôi đã khuyên chồng ly hôn rồi cưới người khác trẻ hơn để sinh thêm con", bà Li, 64 tuổi, ở Bắc Kinh kể. "Tôi không thể mang thai nữa nhưng vẫn có thể hỗ trợ nuôi dưỡng một đứa trẻ", bà giải thích với nụ cười gượng.
Theo Sixth Tone, năm 2009, con trai duy nhất của bà Li qua đời vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 28. Phải mất một thời gian dài bà mới chấp nhận được sự thật này và đã tự nhốt mình trong nhà suốt 5 năm. Hiện tại, bà nói mình vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ về tinh thần của chồng để vượt qua nỗi đau mỗi ngày.
"Bây giờ tôi sống vì chồng", bà Li nói. Con đã qua đời, chồng cùng tuổi, bà Li lo lắng mình có thể chết trong cô đơn, chẳng ai biết hay lo tang ma cho. Bà đã đăng ký hiến cơ thể cho nghiên cứu y học sau khi qua đời. "Ít nhất như vậy đảm bảo sẽ có ai đó nhặt xác tôi và tôi không bị bỏ quên trong nhà mình", bà giải thích.
Theo truyền thống, bố mẹ Trung Quốc thường trông đợi vào sự chăm lo của các con khi họ về già. Mặc dầu chính phủ đã cố gắng cung cấp nhiều mạng lưới chăm sóc cho người cao tuổi, với quỹ lương hưu xây dựng từ những năm 1990, các điều luật, chương trình an sinh xã hội chưa đáp ứng được hết nhu cầu cho tốc độ già hóa tăng nhanh. Vì thế, hầu hết những người già Trung Quốc vẫn phải sống cùng con trai hay con gái họ - lựa chọn tiện lợi với chi phí thấp nhất với nhiều người.
Tuy nhiên, không có con đỡ đần, những đôi vợ chồng cô đơn thường buộc phải vào các nhà dưỡng lão nhưng các nơi này cũng đều quá tải. Theo Xinhua News Agency, cuối tháng 9/2017, Trung Quốc có 230 triệu người trên 60 tuổi nhưng chỉ có 144.000 nhà dưỡng lão - tức là cứ 1.600 người nghỉ hưu mới có một cơ sở này. Thống kê khác hồi tháng 3/2017 cho thấy, tới năm 2020, dân số trên 60 tuổi có thể lên tới 255 triệu người, càng tạo sức ép với các trung tâm dưỡng lão.
Khả năng chi trả lại là một vấn đề đáng bận tâm khác. Theo Yanglao, tại Bắc Kinh, nơi ông Zhao, bà Hong, bà Li sống, chi phí trung bình mỗi tháng cho chăm sóc tại trung tâm dưỡng lão là 6.254 nhân dân tệ (gần 21 triệu đồng) vào năm 2016. Trong khi đó, báo cáo đầu năm 2018 từ cơ quan nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội Bắc Kinh cho thấy khoản chi trả trung bình mỗi tháng cho người hưu trí ở thành phố này là 3.959 nhân dân tệ (13,4 triệu đồng).
Khi không có con cái hỗ trợ, với kinh phí ít ỏi tự có, ông Zhao và bà Hong, giống như hằng trăm nghìn những đôi vợ chồng neo đơn khác, cảm thấy lo âu về việc mình đau bệnh, chết.
"Nếu ngày nào đó bị bệnh, tôi hy vọng mình sẽ chết nhanh để không phải phiền tới ai", bà Hong bộc bạch.
Vương Linh