Sau tai nạn, mẹ bé cho phần tay bị đứt lìa vào túi nylon, bảo quản trong thùng đá, đưa con đến trạm y tế xã. Bác sĩ băng lại vết thương, sau đó chuyển bé lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Ngày 24/4, bác sĩ Phạm Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, cho biết bé bị tổn thương nặng nề, bàn tay phải đứt lìa hoàn toàn, cấu trúc giải phẫu phức tạp do bệnh nhi nhỏ tuổi.
"Trẻ may mắn khi phần chi thể đứt rời được bảo quản đúng cách cũng như được can thiệp tương đối sớm, tỷ lệ nối thành công cao", bà Dung nói.
Sau hội chẩn, ê kíp phẫu thuật phục hồi khớp cổ tay, nối toàn bộ 11 gân gấp và 11 gân duỗi bị đứt. Tiếp đó, nhóm bác sĩ phẫu thuật tạo hình - vi phẫu thực hiện khâu nối phần bàn tay đứt lìa.
Sau 7 giờ can thiệp, bé qua cơn nguy kịch, bàn tay được nuôi dưỡng tốt. Hiện, trẻ có thể cử động nhẹ nhàng các ngón tay, song vẫn cần theo dõi và phục hồi chức năng lâu dài. Dự kiến, em có thể xuất viện trong tuần tới.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh nhưng chưa có ý thức và kỹ năng phòng tránh rủi ro. Người chăm sóc cần trông chừng trẻ, đồng thời trang bị cho con mình những kiến thức cơ bản để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Nếu không may bị tai nạn đứt rời chi thể, người dân cần đặt bộ phận này vào túi nylon sạch, bảo quản trong thùng đá lạnh. Không đặt trực tiếp vào đá có thể gây bỏng lạnh, khiến những cơ quan quý như mạch máu, thần kinh, cơ, có thể bị tổn thương, hủy hoại, ảnh hưởng khả năng hồi phục về sau.
Minh An