Sau 6 tiếng kể từ lúc tai nạn, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bác sĩ khoa Tạo hình - Thẩm mỹ phối hợp khoa Chấn thương chỉnh hình, xử trí vết đứt cẳng chân dập nát, phẫu thuật nối lại hai xương cẳng chân, nối gân và phần chân bị đứt rời, đặc biệt là nối lại mạch máu thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu (phẫu thuật dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ).
Bác sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, người trực tiếp nối lại cẳng chân cho người bệnh, ngày 15/11 cho biết bệnh nhân đứt rời 1/3 cẳng chân phải. Kíp mổ phát hiện nhiều dị vật kim loại và vỏ cây bẩn dính vào chi thể đứt rời, nên phải làm sạch dị vật và không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của chân sau này. Ngay sau khi khâu nối xong, mạch máu thông suốt, cẳng chân ấm hồng và mạch bắt rõ. Hiện nay, một tuần sau mổ, vết thương không có biến chứng, chân hồng hào, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rất tốt.
Bệnh nhân sắp tới phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng trăm tngười bệnh đứt rời các phần cơ thể như tay chân, da đầu, môi mũi tai, dương vật do các nguyên nhânkhác nhau. Trong đó, nhiều trường hợp đặc biệt như vết thương đứt rời cả hai tay, hai chân, hay phối hợp trong các bệnh cảnh đa chấn thương nặng khác.
"Đây là những ca phức tạp, tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này", bác sĩ Hà nói.