Lee Seok-joon mới 15 tuổi, từng làm hầu bàn ở một nhà hàng để phụ giúp gia đình, khi bố cậu, một tài xế xe tải, bị mất việc. Một phần thu nhập của Seok-joon dùng để sắm quần áo cho bố, một phần để tiết kiệm.
Cậu bé gần đây nói với bố rằng cậu muốn sắm một chiếc xe đạp. Ông Lee khuyên con chưa vội, lo cậu bị ngã, vì ông Lee vừa bị thương nặng do tai nạn xe máy.
Ông nuôi nấng con với tình yêu thương mà ông chưa từng có khi còn nhỏ. "Tôi luôn nói với con tôi yêu nó như thế nào. Bố tôi thường đánh tôi, vì thế tôi không bao giờ đánh con mình".
Nhưng ông Lee không cản được niềm khao khát có một chiếc xe đạp của Seok-joon, không ngờ cậu bé chưa kịp đi thử lần nào. Ông còn mang nỗi ân hận lớn hơn, vì đã khuyên con trai không nên đi lang thang trên boong, khi hai cha con nói chuyện điện thoại trước khi phà rời bến.
"Có thể nó ở yên trong phòng vì lời khuyên của tôi. Tất cả những gì tôi muốn giờ này là ôm lấy gương mặt nó lần cuối để nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại trên thiên đường", người cha đau đớn nói.
Còn bà Lim Son-mi, mẹ của Park Hye-son, hiện vẫn mất tích, nhớ lại khi Park Hye-son nói muốn theo học chuyên ngành viết kịch bản sau khi tốt nghiệp trung học, bà trả lời: "Hãy chờ đến khi chị con học xong đã nhé".
Đồng lương ít ỏi của bà Lim Son-mi ở trung tâm y tế không cho phép bà hứa chắc chắn với cô bé. Bởi con gái lớn của bà đang theo học chuyên ngành nghệ thuật và âm nhạc với học phí không hề thấp.
"Tôi rất ân hận vì đã nói với nó thế. Tôi ước gì con bé được sinh ra trong một gia đình giàu có, để nó có bất cứ thứ gì nó muốn", bà Lim nói.
Hai mẹ con có lúc không tránh khỏi tranh cãi vì cô bé đang ở độ tuổi mới lớn, Park Hye-son thân mật với bố hơn. Điều đó giờ trở thành nỗi day dứt khôn nguôi với bà Lim. Một lần, Hye-son hét lên với mẹ: "Con chỉ muốn chết đi thôi", trong lúc nóng giận bà Lim mắng lại: "Vậy tại sao con không đi chết đi".
"Tôi chẳng làm gì được cho nó cả", người mẹ nói, nước mắt lăn dài trên má.
Thật lạ lùng, trước chuyến đi đến đảo Jeju mấy ngày, Hye-son nhắn tin cho bà Lim: "Mẹ, con nhớ mẹ", còn bà thì nói giỡn: "Con đùa đấy à".
Bà Lim còn tự trách mình vì không ép con gái ăn bữa sáng đầy đủ vào ngày cô rời nhà lần cuối. Cô bé chỉ ăn một hũ sữa chua. "Mẹ xin lỗi, mẹ không phải người mẹ tốt", bà nói trong nước mắt.
Ông Lee Jong-eui, bác của Nam Hyun-chul, một trong những học sinh mất tích, cho biết cha mẹ cậu dành hết tình yêu và quan tâm cho Nam Hyun-chul vì là con trai duy nhất.
Nam từng được gia đình cho đi học ở New Zealand một thời gian, năm ngoái cậu trở về Hàn Quốc và đăng ký vào trường Danwon, với vốn ngoại ngữ nổi trội so với bạn bè.
Biết cậu bé yêu thích bóng chày và bóng rổ, ông Lee thường đưa Hyun-chul đến sân bóng. "Nó là một đứa trẻ rất năng động. Nó không phải kiểu người e dè và ngại ra ngoài", ông nói.
Ngoài giờ đi học, Hyun-chul còn tham gia làm tình nguyện ở nhà thờ mỗi cuối tuần và trong kỳ nghỉ hè.
Hai tuần trước khi lên phà Sewol, Hyun-chul đến thăm người bác. "Nó rất hào hứng về chuyến đi tới Jeju. Chúng tôi chúc nó có một chuyến đi vui vẻ và an toàn. Giờ thì tai nạn xảy ra, tôi không thể tin được", ông Lee đau buồn nói khi ngồi chờ tin trong phòng tập thể thao trên đảo Jindo.
Ông Lee tới hiện trường vụ tai nạn vì cha mẹ Hyun-chul đã ngã quỵ khi hay tin con trai mình mất tích: "Nó là tất cả cuộc sống của họ".
Bà Ahn So-hyun, vợ của ông Yang Dae-hong, một thành viên thủy thủ đoàn trên phà đang mất tích cho biết, lời cuối cùng ông nói với bà qua điện thoại là: "Anh đang đi cứu bọn trẻ".
Kang Byung-ki, một người được cứu sống đã thuật lại với tờ Kyunghyang Shinmun rằng ông Yang lúc đó hối hả giúp các em học sinh mặc áo phao và thoát khỏi con phà đang nghiêng và chìm dần.
Mỗi khi hành khách đặt chân lên phà, ông Yang Dae-hong sẽ chạy ra giúp họ bước lên các bậc thang, xách hành lý hoặc bế những em bé, Lee Joung-hwa, bạn của Yang nói về ông. Nếu hành khách bị say vào buổi đêm, ông Yang sẽ mang phiếu ăn đến tận phòng và giúp họ đến nhà hàng ăn sáng.
Mặc dù ca trực khá bận rộn, ông Yang luôn rất hài lòng với công việc của mình. Ông từng nói ông muốn trở thành thủy thủ xuất sắc nhất của Hàn Quốc. Một lần Lee Joung-hwa nói đùa ông có dám nhảy xuống nước để cứu hành khách bị ngã không, ông đáp: "Tất nhiên rồi".
"Tôi tin chắc ông ấy là mẫu người sẽ trở lại để cứu giúp các hành khách khi có hoạn nạn. Với tôi ông ấy là một anh hùng", Lee Joung-hwa nói.
Ông Choi Jae-kyu, bố của Choi Hye-jung, một giáo viên 24 tuổi cho biết cô từng đăng ký tham gia Không lực của Hàn Quốc nhưng trượt ở vòng kiểm tra thể chất. Cô giáo trẻ này là một trong những người được tìm thấy thi thể sớm nhất.
Choi Hye-jung bắt đầu công việc ở trường Danwon năm ngoái, sau khi tốt nghiệp với số điểm đứng đầu lớp, được nhân đôi điểm môn sử và tiếng Anh.
"Con bé rất lanh lợi và muốn là một nhà lãnh đạo giỏi", ông Choi Jae-kyu nói. Choi Hye-jung yêu thích công việc dạy học, và các em học sinh cũng yêu quý cô. Cô từng tự hào khoe với bố mẹ rằng các em học sinh luôn muốn đến phòng làm việc để ôm lấy cô.
Là một trong những người may mắn sống sót, ông Kim Jeong-keun và 16 người bạn cùng lên chuyến phà Sewol để chào mừng sinh nhật lần thứ 60 của họ và ôn lại những ngày tháng tươi đẹp thời học sinh ở thành phố Incheon.
Nhóm bạn học này đã ở bên nhau suốt 50 năm qua, thường xuyên gặp gỡ và họ còn lên kế hoạch cho chuyến đi nước ngoài trong mùa thu tới cùng vợ chồng mình.
Vào buổi sáng định mệnh 16/4, ông Kim thức dậy trong cabin, kiểm tra xem đám bạn có vẽ son lên mặt ông không, trò đùa họ thường chơi thời học sinh. Ông phát hiện họ vẽ lên cánh tay khi ông đang ngủ, chụp một tấm hình và gửi vào điện thoại di động của ông. Nhưng tấm hình ấy cùng 12 người khác đã mất tích dưới làn nước lạnh giá ngoài khơi tây nam. Chỉ có 5 người trong số họ được cứu sống.
Khánh Lynh