Như các bạn, tôi cũng học toàn số sàn. Không một giây động tới AT trong mấy tháng trời vật lộn vô-lăng. Số tự động trong mắt tôi, và chắc hẳn nhiều người, là thứ toán vỡ lòng, cấp xóa mù trẻ nhỏ. Có bằng rồi thì khỏi lo, cứ lên xe là đi. Chân trái không mệt mỏi đạp côn, tay phải không lóng ngóng chọn số. Phố đông đi nhàn nhã, oai vệ như ông hoàng. Không lướt khướt giữ côn, phanh, ga, như bọn số sàn.
Nói chung, số tự động dễ lắm. Đáng khinh lắm.
Nhưng, cuộc sống lắm chữ "nhưng". Một lần tôi có cơ hội lái BMW X5, trong cuộc thử xe an toàn. X5 thì các bạn biết rồi đấy, to khỏe, chân ga chân phanh rành mạch rõ ràng. Xe Đức mà. Lại số tự động. Chẳng có gì phải lo. Dễ như thắt dây giày, xỏ dép.
Mọi thứ đúng như tôi đoán. Cho đến bài phanh gấp. Nhiệm vụ là đạp hết ga đến điểm có báo hiệu thì phanh hết cỡ. Nghe thật hấp dẫn.
Đến lượt, ngồi lên chiếc SUV to lớn, khỏe mạnh, tôi lút chân ga. Xe lao vun vút, tiếng lốp ràn rạt kêu. Động cơ nổ như hú. Đến đúng đoạn chuẩn bị thì nhả ga, chờ phanh.
Nhưng, tận bây giờ vẫn không hiểu sao. Rõ ràng tôi chờ ở phanh mà khi đạp hết cỡ thì nó lại là...ga. Chiếc SUV không dừng lại mà chồm lên, làm người ra hiệu chạy tán loạn. Tôi thì mắt không còn thấy gì, tim đập thình thịch như giã giò, chân lẩy bẩy. Cái cảm giác muốn xe dừng mà nó lại vọt đi khó tả lắm các bạn. Sợ hãi mơ hồ từ đâu kéo đến: "mình có đâm vào ai không?". Phía trước là ruộng rồi, làm sao nhả ga sang phanh? Đủ thứ ập xuống làm tôi luống cuống. Chỉ biết mỗi việc rút chân ga chờ đợi.
Đến khi xe giảm tốc, sợ hãi mới bớt đi. Tôi dò phanh, đạp mạnh cho đứng hẳn. Ra khỏi xe, đóng cửa mà cảm thấy đời may mắn vì chưa gây ra hậu quả gì quá đáng.
Đó là bài học để sau này tôi tin vào lời phát biểu "Các bạn chỉ chưa đạp nhầm ga. Đừng bao giờ nói không thể nhầm".
Bạn tôi lúc tìm mua xe cũng vậy. Anh thích chiếc Vios số tự động. Ngày đi thử, luống cuống thế nào đạp nhầm ga thay vì phanh. Xe chồm lên khiến anh có phen thấy đom đóm giữa ban ngày. Từ đó, anh luôn bảo "số tự động nguy hiểm lắm. Đạp nhầm ga cái là toi ngay".
Nhiều người sẽ nghĩ "Hai ông này học kém mới thế, chứ học cẩn thận nhầm sao được!". Có thể. Nhưng vấn đề là ở Việt Nam, bao nhiêu người học giỏi từ trường để khẳng định rằng "không bao giờ nhầm?".
Thế nên muốn giảm thiểu sự thiếu hiểu biết về số tự động, chúng ta cần phải có hệ thống đào tạo loại xe này. Nó đơn giản, nhưng không đồng nghĩa dễ sử dụng. Đào tạo ở đây là làm quen, tìm hiểu nguyên lý và cả...thử đạp nhầm. Đã nhầm một lần, xác suất nhầm lần hai là rất nhỏ. Bởi ám ảnh là mạnh mẽ khôn nguôi, tôi cam đoan đấy.
Đằng nào cũng nhầm, thì sao không nhầm trong đường dạy riêng hay có thầy (với phanh phụ) ngồi cạnh? Sẽ là trải nghiệm vô cùng quý giá. Để khi ra đường, bạn cẩn trọng và có tình người hơn.
Nam Nguyễn