Theo bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, qua nhiều phương tiện truyền thông và truyền miệng, nhiều người dân biết HPV cùng 14 chủng của virus này có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Trong đó, nhóm 16, 18, 45, 56 liên quan tới tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm lấn.
"Xét nghiệm dương tính với HPV chủng nguy cơ cao khiến nhiều phụ nữ lo sợ", bác sĩ Mỹ Nhi nhận định. Họ đến bệnh viện thăm khám trong trạng thái suy sụp, ám ảnh trước loạt câu hỏi "liệu đã mắc ung thư chưa", "điều trị phức tạp không", "ai sẽ chăm sóc gia đình trong thời gian mình chữa bệnh" và loạt trăn trở khác.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết nhóm nhạy cảm nhất là chưa sinh đủ con hoặc chưa có con, phát hiện nhiễm HPV và mắc ung thư cổ tử cung dẫn đến không còn khả năng mang thai. Họ tự trách bản thân có lỗi với bạn đời lẫn gia đình chồng, không làm tròn trách nhiệm "vợ hiền dâu thảo" hoặc quá lo lắng, không muốn người thân biết mình bị bệnh.
Trò chuyện với VnExpress, bác sĩ Mỹ Nhi dẫn chứng hai trường hợp đặc biệt tiếp nhận gần đây. Hồi tháng 1, người phụ nữ 42 tuổi, quê Đăk Lăk, đến bệnh viện thăm khám nhân chuyến công tác TP HCM. Chị cho biết đã tầm soát ung thư cổ tử cung, phát hiện nhiễm tuýp HPV-16 nhưng do bận công việc, không tiếp tục xét nghiệm, điều trị.
"Sau 6 tháng, chị này quay lại khám, nhận kết quả xét nghiệm HPV, phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 1A2 (xâm lấn)", bác sĩ nói và gợi ý bệnh nhân hai phương án chữa trị. Đầu tiên, phẫu thuật cắt bỏ tử cung để điều trị ung thư tận gốc, nhờ người mang thai hộ nếu muốn có con. Thứ hai, người bệnh có thể giữ lại tử cung, chỉ cần cắt cổ tử cung. Tuy nhiên, cách này khi mang thai, sản phụ có nguy cơ sinh non cao".
Ở tuổi ngoài tứ tuần, bệnh nhân đã ly hôn và vừa cưới lần hai, chồng sau chưa từng có con. Do đó, chị khó chấp nhận phương án cắt bỏ tử cung, cân nhắc rất lâu. "Cuối cùng, người chồng ưu tiên sức khỏe của vợ, đồng thuận điều trị tận gốc", bác sĩ nói.
Trường hợp thứ hai là người phụ nữ 32 tuổi, tầm soát ung thư để điều trị vô sinh, không ngờ nhiễm tuýp HPV 18 và ung thư tuyến cổ tử cung giai đoạn 1B1. Trường hợp này có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung tận gốc, nạo hạch.
Trò chuyện với bác sĩ, chị hoang mang, sốc nặng khi hay tin mắc ung thư, không biết phải điều trị đến bao giờ. Chị chưa có con, khổ sở vì cắt tử cung sẽ không thể có bầu. Sau nhiều lần nghe bác sĩ phân tích, bệnh nhân đồng ý phương án, trữ phôi trước khi điều trị, tìm người mang thai hộ.
"Quan trọng nhất là làm thế nào để thuyết phục bệnh nhân chấp thuận điều trị, không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh", bác sĩ Mỹ Nhi cho biết.
Bác sĩ Mỹ Nhi giải thích trường hợp có tổn thương tại chỗ hoặc ung thư ở giai đoạn sớm, chữa trị kịp thời có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân vẫn có cơ hội điều trị, tăng cơ hội sống còn. Lý do là y học đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong điều trị ung thư giai đoạn trễ với hiệu quả cao, tuy nhiên chi phí sẽ cao hơn, thời gian điều trị dài hơn.
Các cơ sở y tế có phòng khám sản phụ khoa đều thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, trong đó xét nghiệm HPV luôn được khuyến khích thực hiện. Nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ gọi điện thoại, tư vấn bệnh nhân trở lại thực hiện các bước kiểm tra tiếp theo. Với người chưa từng hoặc chưa có ý định tầm soát, đội ngũ y tế sẽ định hướng, hướng dẫn cụ thể. "Đây là cơ hội để phái nữ nắm rõ tình trạng bệnh, điều trị sớm, giảm gánh nặng bệnh tật cho xã hội", bác sĩ Nhi nhận định.
Trong bối cảnh lối sống hiện đại cởi mở hơn về tình dục, bác sĩ Nhi cho rằng nguy cơ nhiễm HPV luôn thường trực. Virus lây lan chủ yếu qua đường tình dục, song cũng có thể truyền qua vết trầy xước niêm mạc, bề mặt da tại các vùng dương vật, hậu môn của người đã nhiễm HPV... Do đó, chuyên gia khuyến cáo chị em nên khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung, chăm sóc bản thân tốt hơn, nhất là nhóm 30-50 tuổi.
"Gia đình, chồng, con, bạn bè, người thân và nhân viên y tế... cần sát cánh lâu dài cùng bệnh nhân, khích lệ sự lạc quan trong tinh thần, ổn định hoàn toàn về tâm lý, thì thành công mới cao trong điều trị", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Về dự phòng ung thư cổ tử cung, có ba cấp gồm cấp 1, cấp 2, cấp 3 (điều trị các tổn thương tiền ung thư/ ung thư). Hiện nay, phương pháp tầm soát tự lấy mẫu tại nhà đã được phát triển và nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là giải pháp cho phụ nữ bận rộn, ngại đến phòng khám, giúp sớm phát hiện nguy cơ nhiễm dai dẳng HPV và có những định hướng chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Chi Lê - Thi Quân
Tìm hiểu thêm về phương pháp tự lấy mẫu xét nghiệm HPV tại nhà ngay tại đây.