Tháng Chín hàng năm, lớp nghiên cứu sinh chúng tôi lại quây quần bên nhau tại một nhà hàng để kỷ niệm ngày đặt chân sang Ba Lan. Các câu chuyện trong những cuộc rượu này thường xoay quanh ký ức của thời khốn khó gần 30 năm trước.
Có một ông đương nhiệm phó chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần danh tiếng của Việt Nam nhưng năm 1989 suýt nữa bị hải quan Liên Xô cửa khẩu Brest bắt quả tang giấu hai kilogram vàng trong ống tube xe đạp. Ngày đó, hiếm nghiên cứu sinh nào không tranh thủ vừa học vừa buôn.
Một anh sau giờ đến lớp cứ thấy xà phòng thơm là mua gom để đóng thùng carton chuyển về Việt Nam. Hai tháng sau, vợ anh gọi sang trách: “Sao không mua thứ gì nhẹ, giá trị cao lại mua toàn đồ nặng, lãi thấp?”. Hoá ra anh bị ám ảnh với xà phòng. Ngày xưa một lần nhờ bạn thân gần nhà cắt tóc. Đang đánh tay kéo, cậu kia chợt dừng lại dí mũi vào đầu anh hít hít rồi hỏi: “Mới gội đầu bằng xà phòng bột à?”. Anh thật thà thú nhận, mấy tháng nay không mua được bánh xà phòng giặt nào.
Lại có người chỉ ám ảnh vì thuốc Tây. Trước khi đi Ba Lan ít ngày, con gái anh viêm phế quản ho như cóc, anh ra đầu phố Hàng Chiếu mua hai vỉ thuốc kháng sinh giá tương đương 30 cent một vỉ. Con gái uống mãi không khỏi, hỏi ra mới biết thuốc giả làm từ bột nghệ trộn ký ninh, ép lại. Ở Ba Lan, một lần vào hiệu thuốc thấy vỉ kháng sinh giá bao cấp chỉ 5 cent, anh móc nối với nhân viên để mua các loại thuốc quý hiếm, đóng thùng gửi về Việt Nam. Chuyện loang ra, các du học sinh ngầm mua thuốc gửi về nước.
Còn có cả nỗi ám ảnh đồng hồ. Một nữ đại gia chìa cho mọi người xem chiếc đồng hồ Liên Xô mạ kền đã ố màu thời gian. Tất cả cùng ồ lên ngạc nhiên. Sau ngày cưới, dồn hết tiền mừng được chừng 30 đôla, chồng chị mua tặng vợ chiếc đồng hồ Zuravia, mặt xanh đáy giếng. Suốt thời gian học tại Ba Lan, chị vẫn đeo nó trên tay. Một lần tình cờ ghé cửa hàng nữ trang, thấy chiếc đồng hồ giống hệt bày trong tủ kính, giá chỉ 5 đôla, chị mua chục cái gửi về nước bán thử. Trừ hết chi phí, chồng chị thu lãi gấp ba.
Bản thân tôi ngày đặt chân sang Ba Lan, gia sản cũng không có gì ngoài 300 đôla giấu dưới gót giày. Tiếng là đi học, nhưng cả nhà dồn tiền để đi đánh hàng. Trong buổi gặp mặt ấy, tôi nhớ, một bạn học giờ đã mang hàm vụ trưởng, bỗng chùng lại rồi tỏ nỗi băn khoăn về việc người Thái chuẩn bị mua lại hai hệ thống siêu thị lớn của nước ta là Big C và Metro. Bây giờ thì họ đã mua thật. Không khí ngày kỷ niệm bỗng trầm lắng. Đã 30 năm trôi qua từ cái ngày đói khổ kia, thế mà bây giờ chúng ta vẫn đang phải đối mặt với vấn đề thị trường trong nước không có hàng “made in Vietnam” - dù theo một cách hoàn toàn khác. Người Thái mua lại hệ thống siêu thị lớn tức là cơ hội để hàng Thái tràn ngập thị trường lớn hơn. Mà thực tế bây giờ hàng Thái đã tràn ngập rồi: rẻ, chất lượng, mẫu mã đẹp, hàng gia dụng và thực phẩm Thái không có gì để chê cả. Bây giờ vấn đề không phải giống như 30 năm trước. Ngày xưa không sản xuất nổi. Bây giờ chúng ta sản xuất được hàng “made in Vietnam”. Nhưng chúng không có sức cạnh tranh. Và nguyên nhân không phải bởi người Thái, người Nhật, người Hàn quá mạnh. Hình như nguyên nhân vẫn thế: 30 năm trước, chúng ta đã nhìn nhận được nguyên nhân kìm hãm chính là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp.
Nhưng tròn 30 năm sau Đổi Mới, sau những cải cách của Đảng và Chính phủ, “bóng ma” của một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung vẫn còn. Một người nhạo anh vụ trưởng vừa băn khoăn vụ Big C và Metro: “Từ bỏ kinh tế bao cấp đã lâu nhưng nhà nước các anh vẫn can thiệp trực tiếp và quá sâu vào chỉ đạo kinh tế”. Tôi nghĩ đấy là một nguyên nhân. Tiếng là đã chuyển sang kinh tế thị trường, nếu không tiếp tục cải cách thì đến bao giờ nền kinh tế nước nhà mới được gọi đúng nghĩa là kinh tế thị trường đầy đủ?
Một điều tra gần đây của Ngân hàng Thế giới phối hợp với Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy: cứ 5 người cho rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì 4 người cho rằng về cơ bản vẫn là kinh tế Nhà nước. Sau 30 năm, vấn đề chúng ta đối mặt tưởng như đã đảo ngược. Ngày xưa thì phải mua hàng ngoại giá cắt cổ. Bây giờ thì thừa thãi hàng ngoại trên kệ hàng siêu thị. Nhưng vấn đề vẫn là nền sản xuất hàng hoá trong nước không đủ sức cạnh tranh.
Và cuộc “Đông tiến” của những người Thái Lan, là dịp để chúng ta nhìn lại nội lực của mình và điều gì đang cản trở khái niệm “thị trường” ấy.
Trần Quốc Quân