"Tôi mua giá vài trăm tệ qua mạng. Bộ tóc trông khá đẹp, nhưng tôi vẫn lúng túng khi sử dụng", Đinh chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp năm 2016, anh làm kỹ sư phần mềm ở Bắc Kinh. Thường xuyên thức đêm, ăn uống thất thường khiến tóc anh rụng nhiều.
Theo Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, khoảng 1/6 dân số nước này mắc chứng rụng tóc (250 triệu người) và đang có xu hướng trẻ hóa. Người dưới 30 tuổi chiếm 69,8%, tỷ lệ lớn nhất đến từ nhóm tuổi 26-30, chiếm tới 41,9%.
Taobao, trang web mua sắm trực tuyến lớn tại Trung Quốc, cho biết các sản phẩm trị rụng tóc luôn nằm trong danh sách 40 mặt hàng bán chạy nhất những năm gần đây. Người tiêu dùng dưới 30 tuổi chiếm hơn 40% doanh số.
Vương Bân, Giám đốc trung tâm y tế của một tập đoàn lớn tại Bắc Kinh chia sẻ , rụng tóc mỗi ngày là chuyện bình thường, mỗi người có thể rụng từ 50-100 sợi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng này là do căng thẳng, thức khuya, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu chất....
Căng thẳng trong công việc là nguyên nhân chính của chứng rụng tóc ở người trẻ. Trong cuộc khảo sát tại 643 trường đại học do báo China Youth Daily thực hiện, hơn một nửa số sinh viên cho biết họ bị rụng tóc. Trong số này, khoảng 60% đã áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng như đội tóc giả, sử dụng thuốc hay cấy tóc.
So với việc đội tóc giả vướng víu, dễ bị phát hiện nếu chẳng may rơi ra thì việc cấy tóc đang là lựa chọn tối ưu của những người bị hói.
Quảng cáo về dịch vụ cấy tóc tại Trung Quốc đều khẳng định "rất tự nhiên và tồn tại mãi mãi", nhưng nhiều chuyên gia nước này lại cho rằng cấy tóc không phù hợp với tất cả mọi người. Ngoài ra giá cả, độ an toàn và hạn sử dụng... cũng là vấn đề cần cân nhắc trước khi quyết định.
Gần đây, Ngụy Khiết, 28 tuổi có ý tưởng cấy tóc. "Tôi đếm đi đếm lại vài lần, mỗi ngày rụng hơn 100 sợi. Chỉ cần đưa tay vuốt nhẹ, cũng có cả chục sợi rơi ra".
Cảm thấy những khoảng trắng trên đầu ngày càng rộng, Ngụy muốn thay đổi hiện trạng. Cô đã dùng thử nhiều loại dầu gội chống rụng tóc, rồi ăn vừng đen, gội đầu bằng gừng... nhưng kết quả không như ý. Theo lời giới thiệu của những đồng nghiệp có kinh nghiệm, Ngụy quyết định chọn cấy tóc vào đầu năm nay.
"Giá một nang tóc 10-12 tệ, số lượng cụ thể để cấy phải được xác định bởi cơ sở cấy ghép hoặc bệnh viện thông qua xét nghiệm", Ngụy nói. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói trường hợp của cô cần khoảng 1.000 nang tóc cấy ghép với chi phí điều trị khoảng 10.000 tệ (gần 36 triệu đồng). Với cô gái này, đây là mức giá có thể chấp nhận được. "Điều cốt yếu là phải tươi trẻ, không chỉ về ngoại hình mà còn tâm lý", Ngụy nói.
Nhìn thấy mái tóc đang chuyển dần thành hình chữ M, Đinh Quân, 30 tuổi tưởng tượng vài năm nữa anh sẽ là "lão hói" qua lời người khác. Nhưng khi liên hệ với một bệnh viện cấy tóc, Đinh được thông báo chất lượng tóc của anh không phù hợp để cấy.
Châu Thành, Phó trưởng khoa Da liễu bệnh viện Nhân dân Bắc Kinh nói rằng, rụng tóc là do di truyền hoặc bệnh lý, bởi vậy việc cấy tóc dù ở lý do gì cũng phải trải qua quá trình khám và đánh giá nghiêm ngặt. "Không phải ai cũng thích hợp để cấy tóc. Biện pháp này dễ làm tổn thương mô dưới da, không phù hợp với bệnh nhân bị tiểu đường, viêm chân tóc và các bệnh ngoài da".
"Cấy tóc tự thân là một hành động phá bỏ bức tường phía Đông để tạo bên bức tường phía Tây", ông Châu ví von. Nếu nguồn tóc phía sau đầu bệnh nhân không đủ nhiều và đủ chất lượng cũng không thể tiến hành cấy tóc. Theo vị này, với mỗi bệnh nhân chỉ có phương pháp phù hợp nhất chứ không có phương pháp tiên tiến nhất.
Khi cấy tóc đang thịnh hành ở Trung Quốc, có nhiều người đạt được kết quả tốt như Ngụy Khiết, nhưng cũng không ít người tự mang "rắc rối" cho mình vì thủ thuật này. "Nếu lần cấy tóc đầu tiên thất bại, lần thứ hai khó thực hiện hơn nhiều so với lần đầu. Bởi tài nguyên nang tóc là có hạn và không thể tái tạo", ông Châu Thành nói.
Hiện nay, khách hàng tại Trung Quốc cũng khó được bảo vệ quyền lợi khi hiệu quả của việc cấy tóc không khả quan.
Năm ngoái, Cao, một thanh niên đến từ Hàng Châu đã dùng đến phương pháp này khi mái tóc ngày càng thưa thớt. Trong hợp đồng, phía bệnh viện đã cam kết 95% nang tóc sống sót, nhưng Cao cho rằng, tỷ lệ này chỉ là 50%. Khi Cao muốn quyền lợi của mình được bảo vệ, tìm hiểu được biết chưa có phương pháp nào định lượng được "tỷ lệ sống sót của nang tóc". Ngay cả khi khách hàng khởi kiện thì hiệu quả cũng rất hạn chế.
Vy Trang (Theo sina)